Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông báo số 98/TB-PVTM ngày 29/9/2023 về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ của các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong 16 vụ việc, trong đó có 13 vụ chống bán phá giá/chống trợ cấp, 1 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ và 2 vụ điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Các vụ việc này bao gồm:
1. Vụ điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Trung Quốc (Mã vụ việc AD01).
2. Vụ điều tra chống bán phá giá với thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD03).
3. Vụ điều tra chống bán phá giá với thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia (mã vụ việc AD12).
4. Vụ điều tra chống bán phá giá với thép phủ màu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc (mã vụ việc AD04).
5. Vụ điều tra chống bán phá giá với nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc (mã vụ việc AD05).
6. Vụ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc (mã vụ việc AD07).
7. Vụ điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD08).
8. Vụ điều tra chống bán phá giá với bột ngọt có xuất xứ từ Indonesia, Trung Quốc (mã vụ việc AD09).
9. Vụ điều tra chống bán phá giá với sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc (mã vụ việc AD10).
10. Vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (mã vụ việc AD13 và AS01).
11. Vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường có xuất xứ từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar (mã vụ việc AC02.AD13-AS01).
12. Vụ điều tra chống bán phá giá với sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc (mã vụ việc AD14).
13. Vụ điều tra chống bán phá giá với vật liệu hàn có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc (mã vụ việc AD15).
14. Vụ điều tra chống bán phá giá với bàn ghế có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD16).
15. Vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép dài nhập khẩu (mã vụ việc SG04).
16. Vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với thép cuộn, thép dây nhập khẩu (mã vụ việc AC01.SG04)
Các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ cần nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 14 và Phụ lục 03 Thông tư số 37/2019/TT-BCT. Hồ sơ có thể gửi tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc gửi trực tiếp đến Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 30/10/2023.
Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp đã được cấp miễn trừ cho năm 2023 sắp sử dụng hết khối lượng miễn trừ được cấp, doanh nghiệp có thể nộp Hồ sơ bổ sung miễn trừ theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 37/2019/TT-BCT tại bất cứ thời điểm nào trong năm 2023.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại (16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại).
Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất liên quan trong nước. Hầu hết các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Trong quá trình áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, những quan ngại về việc khan hiếm hàng hóa, hàng hóa tăng giá do thuế hay việc giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng được Bộ Công Thương theo dõi, xử lý thông qua giám sát diễn biến giá và rà soát định kỳ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng (như Công ty Thép Hòa Phát, Tôn Đông Á, DAP-Vinachem...) cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp trong nước được bảo đảm. Trên thực tế, các biện pháp phòng vệ thương mại đều chỉ áp dụng với một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định, do đó, hàng hóa có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ còn lại vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế phòng vệ thương mại và cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.
"Xét một cách tổng thể, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng kịp thời đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và bảo đảm giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với một số ngành công nghiệp nền tảng", Cục Phòng vệ thương mại nhận định.