Giảm 92,8% thuế riêng rẽ và 94,1% thuế toàn quốc
Theo kết luận sơ bộ đợt POR19, có hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được DOC sơ bộ xác định mức thuế chống bán phá giá là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC - sàn HoSE) 0,00 USD/kg và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (Caseamex, mã cổ phiếu CCA - sàn UPCoM) 0,14 USD/kg. Có 4 doanh nghiệp đủ điều kiện được nhận mức thuế riêng rẽ ở mức 0,14 USD/kg gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã cổ phiếu IDI - sàn: HoSE), Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty Cổ phần Hùng Vương. Các doanh nghiệp còn lại nhận mức thuế toàn quốc ở mức 0,14 USD/kg.
Trước đó, trong kết luận cuối cùng đợt POR17 và POR18, Hoa Kỳ xác định 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam nhận được mức thuế chống bán phá giá lần lượt là 0 USD/kg và 3,87 USD/kg, 1 doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg và 32 công ty nhận mức thuế suất toàn quốc 2,39 USD/kg.
Như vậy, mức thuế sơ bộ POR19 đã giảm đáng kể so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR18 trước đó. Đây là tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá do DOC cho rằng: 1) Indonesia có kinh tế tương đồng với Việt Nam; 2) Indonesia sản xuất đáng kể hàng hóa tương tự với hàng hóa bị điều tra trong giai đoạn rà soát; 3) Indonesia cung cấp số liệu có thể sử dụng và đáng tin cậy giúp DOC đánh giá các yếu tố sản xuất của Việt Nam.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ, tức vào khoảng ngày 31/12/2023.
Ngày 25/8/2023, DOC đã ra thông báo cho phép các bên gửi yêu cầu rà soát thuế CBPG cho đợt rà soát tiếp theo (POR20), cho giai đoạn 1/8/2022 - 31/7/2023. Thời hạn cuối nhận hồ sơ là ngày 31/8/2023. Cho đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam và nguyên đơn Hoa Kỳ đã gửi yêu cầu rà soát. Dự kiến, DOC sẽ xem xét khởi xướng cuộc rà soát hành chính tiếp theo vào khoảng tháng 9 - tháng 10/2023.
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng lấy lại thị trường Hoa Kỳ
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam với tỷ trọng 22%, sau Trung Quốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới ngày 15/8/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ dao động ở mức 2,97 - 3,45 USD/kg trong 6 tháng đầu năm nay. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Hoa Kỳ.
Top 3 doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ bao gồm: Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông, Vạn Đức Tiền Giang chiếm tỷ trọng giá trị lần lượt là 51%, 18%, và 11%.
Hoa Kỳ là thị trường không mấy lạc quan của cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm nay do lạm phát, kinh tế suy giảm, đặc biệt là tồn kho cao do thị trường này nhập khẩu nhiều vào nửa đầu năm 2022. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ nhập khẩu cá tra của cường quốc này chậm lại trong những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải thị trường duy nhất cho thấy bức tranh ảm đạm. Các thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam như Trung Quốc, EU, Brazil cũng đều ghi nhận tăng trưởng âm 16% - 59%.
Mùa lễ hội cuối năm, tồn kho giảm dần, kết quả tích cực từ POR19 sẽ tạo tâm lý tích cực và động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm.