Diễn đàn năm nay được tổ chức trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023” - chuỗi sự kiện trọng điểm do Bộ Công Thương tổ chức, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Diễn đàn là nơi cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực Mỹ Latinh, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi.
Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh đang phục hồi tăng trưởng
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường. Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh được tổ chức) lên mức 23 tỷ USD năm 2022.
Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
Xét về quan hệ thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam, với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…
Về đầu tư, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng… Ở chiều ngược lại, tính đến hết năm 2022 có 21 quốc gia Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 117 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 673 triệu USD.
Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022, cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.
Đẩy mạnh giao thương với thị trường Mỹ Latinh
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương cũng như trong các khuôn khổ đa phương là hết sức cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.” - ông Tạ Hoàng Linh nhận định.
Việt Nam và Mỹ Latinh là những nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau. Hai bên đều có khả năng nhất định trong tham gia xử lý các thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, tham gia các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ trên toàn cầu... Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tích cực hợp tác chặt chẽ để vượt qua thách thức, tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần phục hồi kinh tế toàn cầu.
Việt Nam mong muốn xây dựng những khung khổ hợp tác mới với khu vực Mỹ La Tinh. Về phía Việt Nam hiện đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay); và mong muốn hai bên sớm khởi động đàm phán để đi đến ký kết hiệp định này, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên khối.
“Trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp khai thác tối đa các cơ hội thị trường, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới với ưu thế từ các Hiệp định thương mại, Diễn đàn hôm nay với sự tham gia của các Đại diện ngoại giao, các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ Latinh và các chuyên gia trong nước và quốc tế để cùng nhau trao đổi, đưa ra những định hướng hợp tác mới và khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, cùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Chính phủ và Bộ Công Thương, thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường.” - ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Mario Schuff, Chuyên gia kinh tế, ngoại giao, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam - Argentina của Phòng Thương mại châu Á cũng đã cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong đó nhấn mạnh tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp.
Đại diện cho phía các doanh nghiệp Mỹ Latinh tham dự trực tiếp tại Diễn đàn, bà Veronica (Tập đoàn Coppel, Mexico), ông Federico Bucher (Tập đoàn Cencosud, Chile) và bà Roberta Guttler Difini (Tập đoàn Dệt may Renner, Brazil) cũng đã chia sẻ những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, thâm nhập thị trường; đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp Việt xác định hướng đi và mặt hàng tiềm năng cho từng thị trường, tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định và đưa hàng vào các tập đoàn phân phối, tập đoàn bán lẻ của các nước Mỹ Latinh.
Về phía đại diện doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phượng Vĩ (Công ty Eurofins) và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Công ty Napoli Coffee) đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong giao dịch thương mại với các nước Mỹ Latinh, cũng như những lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác làm ăn với khu vực này.
Đặc biệt, với sự tham dự trực tiếp của gần 30 đoàn doanh nghiệp Mỹ Latinh tại Diễn đàn, phiên kết nối B2B trực tiếp giữa doanh nghiệp hai bên đã diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả và thiết thực. Tại phiên kết nối này, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trực tiếp tìm hiểu nhu cầu và yêu cầu của các doanh nghiệp Mỹ Latinh trong việc tìm kiếm đối tác Việt Nam, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong thời gian tới.