Ngày 13/9/2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ”. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua nhiều bước phát triển mạnh mẽ như: ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000; Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) năm 2006; Việt Nam gia nhập WTO năm 2006; hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) năm 2007; hai nước cùng tham gia tham vấn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng năm 2022. Ngày 10 tháng 9 năm 2023 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau gần 30 năm kể từ khi hai quốc gia chúng ta bình thường hóa quan hệ năm 1994, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển mạnh mẽ, thực chất trong nhiều lĩnh vực hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển quan trọng. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Về cơ chế hợp tác, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, văn bản, thỏa thuận và đặc biệt, mới đây ngày 10/09/2023 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, là điều mà không một ai có thể tưởng tượng được gần 30 năm trước.
Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, Bộ Công Thương đánh giá cao chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo,…
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến vững chắc của các nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Xu hướng này cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng một hay nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất của nhà đầu tư Hoa Kỳ, góp phần lan tỏa cho nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề: Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp - năng lượng Hoa Kỳ” được tổ chức với hy vọng tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước chia sẻ, thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng, cơ hội cũng như đưa ra giải pháp, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị, nguyên vật liệu và linh kiện cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ.
“Đây là sự kiện sẽ mang lại cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện của chuỗi cung ứng ngành hàng không và năng lượng.
Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tại sự kiện, các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã cùng tham gia 2 phiên Toạ đàm (i) Chiến lược phát triển chuỗi cung ứng ngành năng lượng tại Việt Nam và (ii) Chiến lược phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hàng không tại Việt Nam.
Sau các phiên tọa đàm theo chuyên đề là hoạt động kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung ứng thiết bị phụ trợ Việt Nam và các tập đoàn công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ như Boeing và AES.
Đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết: Trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Ông Maxime Dourdan đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Một số hình ảnh tại sự kiện: