Để có một ví dụ trực quan, bạn có thể tưởng tượng cứ sau 16 giây, lượng rác thải được tạo ra bởi quần áo tương đương với chiều cao của Tháp Eiffel. Nếu chiều cao của ngọn tháp nổi tiếng bậc nhất thế giới chưa đủ thuyết phục thì theo một phân tích mới từ Five of Us cho biết chưa đầy một năm để số lượng quần áo bị ném vào bãi rác bằng với khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.
Số liệu thống kê cho rằng có 32 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất cho ngành công nghiệp thời trang mỗi năm, 64% trong số này sẽ bị chôn vùi trong bãi rác. Hơn thế nữa, số trang phục sử dụng một lần lên tới 94 triệu kg được mua hàng năm, chỉ qua tay từ 1 đến 2 người, sau đó sẽ bị vứt trực tiếp vào thùng rác, thay vì bán lại hoặc dùng làm công việc từ thiện.
Trong khi đó, các loại vải nhân tạo như polyester và nylon, có thể mất tới 200 năm để phân hủy. Để so sánh, vải lanh mất hai tuần để phân hủy tự nhiên nhưng một số loại sợi tự nhiên khác có thể mất nhiều năm để phân hủy.
Người phát ngôn của Five of Us cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng một trong những lĩnh vực quan trọng còn khuyết ở trong ngành thời trang chính là việc giáo dục thế hệ tiếp theo về cách mua sắm thông minh và tiêu dùng với tính bền vững."
Từ lâu, chuỗi cung ứng dệt may công nghiệp đã cải thiện vấn đề thời trang của con người, song cũng là nguồn gốc gây ra suy thoái môi trường trên nhiều mặt. Do vậy, tái chế chính là chìa khóa để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất dệt may. Theo tính toán của World Wide Fund for Nature, cần khoảng 2.700 lít nước để sản xuất một chiếc áo phông cotton - trong khi lượng nước này đủ để duy trì sự sống một người trong 900 ngày.