Chia sẻ tại phiên thảo luận "Hợp tác phát triển Công nghiệp bán dẫn" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024" vừa diễn ra, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT) nhận định: “Bây giờ chính là thiên thời của Việt Nam. Việt Nam đang có sự “hungry” (khao khát và ý chí) trong lĩnh vực chip bán dẫn”.
Ông Trương Gia Bình tiết lộ, trong quá trình làm việc với Hiệp hội Bán dẫn Mỹ, khi hỏi về kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển chip bán dẫn, phía Mỹ biết danh sách này có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) kể cả Mexico, Brazil.
Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất có trong danh sách hỗ trợ sản xuất; qua đó, cho thấy phía Mỹ đặc biệt coi trong Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành chip bán dẫn bên ngoài nước Mỹ.
Chủ tịch Tập đoàn FPT giải thích, Mỹ hiện đang áp dụng chiến lược friendshore - các công nghệ cốt lõi phải nằm ở quốc gia đáng tin cậy với Mỹ. Điều này cũng đã được đưa vào Đạo luật Khoa học và Chip (gọi tắt là Chip Act) được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua vào năm 2023. Một trong những nội dung chính của đạo luật này là tài trợ cho các công ty xây dựng nhà máy chip bán dẫn tại Mỹ, và tài trợ phát triển chip cho các quốc gia thân thiện với Mỹ.
Ngoài ra, các công ty bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để cùng giành lại thị phần thiết kế bán dẫn trong bối cảnh Ấn Độ đang chiếm 90% thị phần thiết kế chip bán dẫn toàn cầu, ông Trương Gia Bình nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Tập đoàn FPT cũng cho biết, Việt Nam không có nhiều thời gian để chờ đợi sự hỗ trợ từ phía nước ngoài trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ chip bán dẫn.
Trong một cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của đại sứ Mỹ, Nhật Bản, Singapore, có một quan chức đã nói rằng: "Ông không biết được tương lai Việt Nam sẽ sáng thế nào đâu, nhưng cơ hội cho Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Lĩnh vực chip bán dẫn đang là một cơ hội đối với Việt Nam và cũng là nhu cầu sống còn với thế giới. Trong bối cảnh công nghệ chip bán dẫn đang phát triển rất nhanh và thế giới không chờ Việt Nam quá lâu. Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, Việt Nam cần có sự phát triển nhanh chóng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
Đồng thời, ông Trương Gia Bình cũng phản bác lại luận điểm của một số chuyên gia khi chỉ trích rằng Việt Nam dường như đang chạy theo phong trào, và chip bán dẫn không phải là thứ dễ sản xuất.
Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, nhu cầu chip bán dẫn của thế giới là hiện hữu, nhưng Việt Nam "không nhìn vào nhu cầu, vào đồng tiền của ai, mà có cơ hội Việt Nam sẽ tự nắm lấy. Có lợi cho đất nước chúng ta mới làm, không có lợi không làm".
"Nếu không được chọn, Việt Nam cũng dồn hết sức mạnh, ý chí và tài sản để thiết kế chip mà không phụ thuộc vào ai", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Người đứng đầu Tập đoàn FPT cũng chia sẻ, thật cảm động khi trong cuộc chạy đua chip bán dẫn này, người Việt trên toàn thế giới đang rất đoàn kết. Nhiều trí thức Việt kiều đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lại, đã trở về Việt Nam cùng chung tay mở công ty thiết kế vi mạch.
"Nếu như trước đây lĩnh vực phần mềm chúng ta phát triển từ con số 0 thì bán dẫn không xuất phát từ số 0", Chủ tịch FPT nói, nhấn mạnh thêm rằng những người làm công nghệ Việt Nam trên toàn thế giới đang cùng hướng tới mục tiêu là "Việt Nam AI", "Việt Nam Semiconductor".
Cũng tại phiên Thảo luận, ông Trương Gia Bình tiết lộ Tập đoàn FPT đang lên kế hoạch triển khai một Nhà máy Trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Nhật Bản - thị trường nước ngoài lớn nhất hiện nay của tập đoàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT cũng sẽ cung cấp nhân lực cho liên doanh Nhật - Đài Loan (Trung Quốc) để vận hành các nhà máy AI Factory của đối tác ở Nhật Bản và Saudi Arabia.
Hiện Tập đoàn FPT đang bắt đầu những bước đầu tiên trong việc triển khai AI Factory tại Việt Nam.