Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN – sàn HoSE) cho biết, công ty hiện đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác Nhật Bản cho loạt dự án sắp tới.
Theo đó, công ty FECON mong muốn được hợp tác với các đối tác có năng lực quản lý, tài chính và công nghệ nhằm phát triển các dự án bất động sản, phát triển đô thị và năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty Fecon tìm kiếm các đối tác Nhật Bản. Trước đây, công ty xây dựng này đã từng hợp tác với các doanh nghiệp tổng thầu Nhật Bản như Taisei và Shimizu. Đồng thời, công ty FECON cũng hợp tác với Central Nippon Expressway (Nhật Bản) trong lĩnh vực kinh doanh thu phí đường bộ tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Khoa, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1” trước các rủi ro về căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Sự dịch chuyển trên đang tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản đô thị, và năng lượng.
Công ty FECON hiện đang triển khai nhiều dự án phát triển đô thị và bất động sản tại Việt Nam, bao gồm Khu đô thị Mỹ Hào Garden City tại tỉnh Hưng Yên (quy mô 200 ha, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD) và Khu đô thị mới Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa.
Đối với mảng năng lượng tái tạo, Chủ tịch Công ty FECON đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió. Hiện tại, công ty FECON cũng đang đầu tư vào các dự án năng lượng gió và mặt trời với trọng tâm là dự án trang trại gió ngoài khơi tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có công suất dự kiến 500 MW, với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Ông Phạm Việt Khoa chia sẻ, dự án này dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2026. Đồng thời, công ty FECON đang có kế hoạch thu hút vốn đầu tư từ các đối tác Nhật Bản vào FECON Energy - công ty con chuyên phụ trách mảng năng lượng, hoặc thành lập liên doanh mới hoạt động trong mảng năng lượng tái tạo trong tương lai.
Theo tìm hiểu của Tạp chí Công Thương, hồi giữa năm 2022, công ty FECON đã ký kết hợp tác với Corio Generation (Australia) về việc triển khai dự án trang trại gió ngoài khơi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án nằm cách bờ biển 25 - 30 km, được kỳ vọng sẽ là một trong số những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được xây dựng tại Việt Nam, có thể cung cấp khoảng 1.250 GWh điện sạch và giảm thiểu hơn 600.000 tấn phát thải carbon mỗi năm.
Corio Generation là công ty con của tập đoàn tài chính đa quốc gia Macquaire, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, Corio đang quản lý một trong những danh mục điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 30 GW đã đi vào vận hành tại một số quốc gia như Anh, Na Uy, Thụy Điển…
Được biết đến là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm, từ năm 2016, công ty FECON đã từng bước mở rộng sang mảng năng lượng tái tạo thông qua các hợp tác quốc tế. Trong đó, công ty FECON vừa đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư, tổng thầu thi công, và vận hành.
Khởi đầu là Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng và công suất thiết kế 50 MWp. Dự án do công ty FECON hợp tác đầu tư cùng với Tập đoàn năng lượng Acwa Power (Saudi Arabia), được khởi công vào cuối năm 2018 và đi vào vận hành thương mại từ giữa năm 2019.
Công ty FECON tiếp tục tham gia liên doanh quốc tế để thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Quốc Vinh tại tỉnh Sóc Trăng với công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng. Dự án đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2021.