Những con số ấn tượng
Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng; thu BHYT đạt khoảng 105.000 tỷ đồng. Số nợ BHXH năm 2019 giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành.
Đó là những con số đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận.
Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới.
Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.
Theo Thủ tướng, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra. Với một số quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm.
Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng. BHXH Việt Nam đã cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh.
Thành công bắt đầu từ tầm nhìn
Tuy nhiên, hiện chưa đến 1/3 số người lao động tham gia BHXH thì đích đến còn xa, do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, BHXH, cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH.
“Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng”, Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động.
5 giải pháp căn bản
Với tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở 5 nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử và giao dịch điện tử liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, đội ngũ 21.000 cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư là cần nâng cao hiệu lực quản lý trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường công tác quản lý BHXH, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT thống nhất, tiện lợi cho người dân.
Thứ năm, Thủ tướng đề nghị phải tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta.