Chuẩn bị chính sách và nguồn nhân lực trong phát triển điện hạt nhân

Nhằm triển khai hoạt động về phát triển điện hạt nhân, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách và tập trung vào vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chương trình điện hạt nhân…
họp báo quý IV
Khung cảnh Họp báo thường kỳ Quý IV/2024

Chiều 8/1/2025, Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ Quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp.

Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân

Tại Họp báo, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của cơ quan báo chí là việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Giải đáp những thắc mắc về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Minh cho biết, ngày 2/1/2025, nhằm triển khai hoạt động về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị với các trường đại học thuộc Bộ với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình điện hạt nhân”.

Trong hội nghị này, Vụ Khoa học và Công nghệ đã có các báo cáo, tài liệu, theo đó đánh giá về hiện trạng, nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề cơ sở hạ tầng liên quan cần được thực hiện. Trong đó, nhân lực là một trong những vấn đề cơ sở hạ tầng quan trọng, bảo đảm sự thành công của Dự án và cần phải được quan tâm đi trước một bước.

Áp dụng với điều kiện của Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, cần khoảng 1.200 người có trình độ đại học. Bên cạnh đó cần rất nhiều nhân lực liên quan đến các lĩnh vực chuyên sâu của ngành an toàn hạt nhân như kiểm soát an toàn mức xạ, quản lý dự án, quản lý lãnh đạo nhà máy, vận hành, điều hành các lò bảo trì, hỗ trợ các dịch vụ khác. Tính chung, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người có trình độ đại học.

Ngoài ra, số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Qua đó có thể thấy nhu cầu về nhân lực điện hạt nhân là rất lớn.

Thông qua Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan của Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai tham mưu các cấp có thẩm quyền để thúc đẩy đề án về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân.

Bộ Công Thương đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự án phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận

Liên quan đến công tác thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng chia sẻ, sau khi được Quốc hội thông qua Dự án phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tiên là Văn bản số 10514 ngày 24/12/2024 trình Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và phối hợp giải quyết những vướng mắc, những công việc quan trọng liên ngành liên quan để tiếp tục thực hiện chủ trương thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Văn bản thứ hai là Tờ trình 9987 ngày 8/12/2024 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số công việc cần phải sớm triển khai, thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận:

Thứ nhất, bổ sung nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vào Quy hoạch điện VIII.

Thứ hai, xem xét giao EVN làm chủ đầu tư các dự án đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 theo đề xuất, kiến nghị của EVN và cho phép EVN triển khai ngay việc chỉ định tư vấn, rà soát điều chỉnh nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo quy định.

Thứ ba, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán để ký kết điều chỉnh Hiệp định thỏa thuận với các đối tác đã được triển khai trước đây. Giao Viện Năng lượng điều chỉnh, rà soát nghiên cứu để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong đó xem xét, bổ sung Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào quy hoạch.

Tiến Thành