Chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường trong cả tuần qua

Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã “phủ bóng” lên triển vọng kinh tế toàn cầu, đẩy thị trường vào “vùng đỏ” ngay từ đầu tuần (ngày 24/9).

Những hy vọng về khả năng hai bên sẽ tiến hành đàm phán cũng đã mờ dần, khi Bắc Kinh cho biết họ sẽ không tham gia quá trình thương thảo cũng như không cử đoàn đàm phán thương mại tới Washington vào cuối tuần.

Sau khi biến động ngược chiều vào phiên liền sau đó, Phố Wall tiếp tục trượt dốc trong phiên 26/9, sau khi Fed quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách mới nhất, với nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “tận hưởng” thêm ít nhất ba năm tăng trưởng nữa. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay.

Dự kiến, Fed sẽ tiến hành thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào tháng Mười Hai tới, ba đợt nữa vào năm tới và một đợt vào năm 2020. Tỷ lệ lãi suất cho vay của Fed có thể được đẩy lên 3,4%. Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể sẽ được ngân hàng này duy trì cho đến năm 2021.

Sắc xanh đã trở lại thị trường cổ phiếu Mỹ trong ngày 27/9, nhờ các tín hiệu mới cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định, trước khi tiếp tục “nhích nhẹ” trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/9.

Đáng chú ý, trong phiên này, giá cổ phiếu của mạng xã hội Facebook giảm mạnh 2,59%, sau khi công ty này cho biết phát hiện ra một vấn đề an ninh bảo mật ảnh hưởng đến 50 triệu tài khoản. Đà sụt giảm của giá cổ phiếu Facebook tác động tiêu cực đến S&P 500 hơn bất kỳ cổ phiếu nào khác.

Trong khi đó, cổ phiếu Intel vọt 3,08% và tác động tích cực nhất đến cả 3 chỉ số chính sau khi nhà sản xuất con chip tỏ ra lạc quan sẽ đạt được mục tiêu doanh thu cả năm.

Các vấn đề địa chính trị có thể trở thành mối quan ngại chính một lần nữa trong thời gian tới, sau khi chính phủ Italy mở rộng đáng kể mục tiêu thâm hụt ngân sách cho năm tới để tài trợ cho các cam kết bầu cử của họ, một động thái có khả năng sẽ khiến nước này mâu thuẫn với Liên minh châu Âu. Đây là tình hình bất ổn địa chính trị mới nhất có thể ảnh hưởng đến Phố Wall, sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu mùa Hè năm nay.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,07%, lên 26.458,31 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ không đáng kể 0,02 điểm, đóng cửa ở mức 2.913,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite “nhích” 0,05%, lên 8.046,35 điểm. Như vậy, tính chung tuần qua, Dow Jones và S&P 500 lần lượt mất 1,1% và 0,5%, còn Nasdaq tăng 0,7%.

Tuy nhiên, trong cả tháng Chín, S&P và Dow Jones lần lượt tăng 0,4% và 1,9%, trong khi Nasdaq mất 0,8%. Tính cả quý 3 năm nay, S&P ghi thêm 7,2%, đánh dấu quý tốt nhất của chỉ số này kể từ quý 4/2013. Trong khi đó, Dow Jones và Nasdaq lần lượt tiến 9% và 7,1% trong cả quý này.

Góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường trong phiên này là báo cáo từ Bộ Thương Mại Mỹ cho biết, chi tiêu tiêu dùng của nước này tăng ổn định trong tháng 8/2018, trong khi lạm phát vẫn ở mức mục tiêu 2% của Fed.

Hiện quý 3 đã kết thúc, nhà đầu tư sẽ bắt đầu tập trung vào các báo cáo tài chính doanh nghiệp trong vài tuần tiếp theo. Được hỗ trợ bởi đà tăng trưởng kinh tế, chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và xu hướng gia tăng mua lại cổ phiếu, thị trường dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty thuộc S&P 500 trong quý 3/2018 sẽ tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuấn Hưng (tổng hợp)