Chứng khoán Tiên Phong (ORS) vay hàng nghìn tỷ để đầu tư trái phiếu Chính phủ

Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (mã cổ phiếu ORS) đã quyết định vay tối đa 2.500 tỷ đồng từ các ngân hàng nhằm đầu tư trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương.
Chứng khoán Tiên Phong
Trong nửa đầu năm nay, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (mã cổ phiếu ORS - sàn HoSE đã thông qua việc vay vốn từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB).

Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong sẽ vay 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng VPBank để đầu tư/kinh doanh trái phiếu Chính phủ. Đây là khoản vay không có tài sản đảm bảo. Thời gian sử dụng khoản vay sẽ phụ thuộc vào hợp đồng/thỏa thuận cho vay giữa công ty và Ngân hàng VPBank.

Trước đó, vào tháng 8/2024, HĐQT Chứng khoán Tiên Phong cũng đã thông qua việc vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB) để thanh toán tiền mua công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.

Khoản vay này có thời hạn sử dụng theo hợp đồng/thỏa thuận cho vay giữa Chứng khoán Tiên Phong và Ngân hàng Vietcombank. Tài sản đảm bảo là các tài sản tài chính thuộc quyền sở hữu của công ty.

Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.038 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm tới 42% so với cùng kỳ năm trước, còn 505 tỷ đồng, chủ yếu là do sụt giảm cổ tức và tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL (giảm 86%, còn 77,7 tỷ đồng).

Doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán trong kỳ ghi nhận mức giảm lên tới 96% so với nửa đầu năm 2023, còn 22,9 tỷ đồng.

Về phía chi phí, chi phí hoạt động trong kỳ giảm 56%, còn 532 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ giảm các khoản lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL (giảm 79%, còn 173 tỷ đồng).

Giá cổ phiếu ORS Chứng khoán Tiên Phong
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: “Sao đổi ngôi” - Chứng khoán SSI chuẩn bị lấy lại vị thế đầu ngành" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 219 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Chứng khoán Tiên Phong tại ngày 30/6/2024 đạt 9.832 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 98%, đạt 2.242 tỷ đồng; các tài sản tài chính FVTPL tăng 4%, đạt 2.166 tỷ đồng; các khoản cho vay tăng 111%, đạt 2.306 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2024, danh mục tài sản tài chính FVTPL của Chứng khoán Tiên Phong chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết với giá trị là 892 tỷ đồng. Trong đó, giá trị cổ phiếu niêm yết công ty đang đầu tư đạt 484 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, bao gồm mã cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn...

Chứng khoán Tiên Phong được thành lập từ cuối năm 2006. Hiện công ty đang có vốn điều lệ đạt 3.360 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ngân hàng TPBank, mã cổ phiếu TPB) đang là cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Tiên Phong với tỷ lệ chi phối 9,01% vốn.

Duy Quang