Vì sao Container Việt Nam (VSC) quyết thoái toàn bộ vốn tại Cảng PTSC Đình Vũ?

Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã cổ phiếu VSC) vừa quyết định thoái toàn bộ vốn tại cảng liên kết - Cảng PTSC Đình Vũ. Cảng này có công suất 300.000 TEU và đang đạt hiệu suất khai thác 90%.
Container Việt Nam
Container Việt Nam hiện đang dồn lực phát triển cụm 3 cảng VIMC Đình Vũ - Nam Hải Đình Vũ - VIP Green.

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) vừa thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (PTSC Đình Vũ, mã cổ phiếu PSP - sàn UPCoM).

Theo đó, Container Việt Nam sẽ chuyển nhượng hơn 8,82 triệu cổ phiếu PSP với giá giao dịch dự kiến tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính tổng giá trị chuyển nhượng tối thiểu đạt 88,2 tỷ đồng. Tiến độ thoái vốn hiện chưa được Container Việt Nam công bố.

PTSC Đình Vũ là công ty con do Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) sở hữu 51% vốn điều lệ. Container Việt Nam hiện là cổ đông lớn thứ hai tại công ty này với tỷ lệ sở hữu là 22,05% vốn điều lệ.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Container Việt Nam hiện đang sở hữu 05 cảng tại cụm cảng Hải Phòng, gồm 3 cảng chính là Cảng Green (sở hữu 100%, 300.000 TEU), Cảng VIP Green (sở hữu 74%, 800.000 TEU), Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu 100%, 550.000 TEU), và 02 cảng liên kết lân cận là PTSC Đình Vũ (300.000 TEU) và VIMC Đình Vũ (sở hữu 36%, 500.000 TEU).

Cảng Container Việt Nam
Danh mục các cảng hiện nay của Container Việt Nam. (Nguồn: Container Việt Nam, Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Trong đó, Cảng Nam Hải Đình Vũ mới được Container Việt Nam sáp nhập xong trong quý 2/2024. Qua đó, Container Việt Nam trở thành doanh nghiệp cảng biển lớn nhất cụm cảng Hải Phòng với tổng công suất xử lý 2,6 triệu TEU (tăng 36% so với năm 2022), chiếm 30% thị phần toàn khu vực.

Đặc biệt, Cảng Nam Hải Đình Vũ nằm kẹp giữa cảng VIMC Đình Vũ và VIP Green. Do đó, việc thâu tóm cảng này, giúp Container Việt Nam “liền thổ” 03 cảng có công suất lớn nhất hiện nay, tạo ra hệ thống cầu tàu liền mạch lên đến 1.500 m, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành các cầu cảng và linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận tàu.

Trong khi đó, Cảng PTSC Đình Vũ nằm tương đối tách biệt với cụm cảng chính trên về phía thượng nguồn ngã ba Sông Cấm - Sông Bạch Đằng, Hải Phòng, và bị chia cắt bởi Cảng Đình Vũ và Cảng Tân Vũ. Điều này khiến cảng PTSC Đình Vũ khó phát huy lợi thế tương hỗ trong hoạt động kinh doanh của Container Việt Nam.

Bên cạnh đó, cỡ tàu lớn nhất mà Cảng PTSC Đình Vũ  có thể tiếp nhận đang ở mức thấp nhất trong danh mục các cảng hiện nay của Container Việt Nam, cũng như mặt bằng chung các cảng trong khu vực. Trong khi đó, xu hướng các chủ tàu đang ngày càng ưu tiên sử dụng các cỡ tàu lớn. 

Do đó, việc thoái vốn khỏi PTSC Đình Vũ có thể cho thấy Container Việt Nam đang dồn lực khai thác cụm cảng chiến lược VIMC Đình Vũ - Nam Hải Đình Vũ - VIP Green.

Giá cổ phiếu VSC Container Việt Nam
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VSC của Container Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vị thế đầu ngành giúp Container Việt Nam (VSC) hưởng lợi lớn từ chính sách quy hoạch" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ông Tạ Công Thông - Tổng giám đốc Container Việt Nam từng chia sẻ, với việc sáp nhập cảng Nam Hải Đình Vũ, công ty sẽ tập trung được nguồn lực tại cùng một khu vực, cả thiết bị lẫn cả nhân lực.

Hiện một số tổ chức tài chính đánh giá, hoạt động kinh doanh của Container Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ các chính sách quy hoạch Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp - cảng biển lớn hàng đầu cả nước.

Cụ thể, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tích cực mở rộng và xây mới các khu công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng sản lượng hàng hóa giao thương và hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 – 2030, Hải Phòng dự kiến sẽ xây mới 4 tuyến đường sắt quốc gia, 4 tuyến đường sắt đô thị cùng với xây mới 2 tuyến đường bộ với quy mô đường cao tốc. Nhờ đó, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển và kết nối Hải Phòng với khu vực khác, thu hút đầu tư, và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn, hồi đầu tháng 8/2024, Container Việt Nam cũng đã thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Tuyến Container T.S Hà Nội (T.S Line). Hiện Container Việt Nam đang sở hữu 30% vốn điều lệ tại T.S Line, tương đương hơn 2 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty cũng thoái vốn đầu tư khỏi Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng. Dự án này do hai công ty con của Container Việt Nam là Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh phối hợp thực hiện cùng với Công ty Cổ phần Tập đoàn T&D Group

Ban lãnh đạo Container Việt Nam cho biết, việc thoái vốn khỏi dự án trên nằm trong chiến lược tái cơ cấu của công ty, nhằm tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh cốt lõi và giảm bớt gánh nặng chi phí.

Duy Quang