Vì sao Ngân hàng Sacombank (STB) chưa thể chính thức hoàn tất Đề án tái cơ cấu?

Nhờ các nỗ lực trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và thanh lý tài sản tồn đọng, Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) đã hoàn thành gần như toàn bộ Đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đang đối mặt vướng mắc cuối cùng trong việc hoàn thành Đề án.
Ngân hàng Sacombank
Ngân hàng Sacombank bắt đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu từ năm 2016.

Vào đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) đã đạt bước ngoặt quan trọng trong quá trình tái cơ cấu khi thành công bán đấu giá khoản nợ xấu trị giá 7.900 tỷ đồng liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú.

Khoản nợ này có nguồn gốc từ hoạt động cho vay của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) trong giai đoạn 2011-2012 và trở thành gánh nặng của Ngân hàng Sacombank sau khi sáp nhập vào năm 2015.

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của khoản nợ này đã lên đến 16.196 tỷ đồng, bao gồm hơn 5.134 tỷ đồng nợ gốc và hơn 11.061 tỷ đồng lãi tồn đọng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú với tổng diện tích 134 ha, tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh.

Sau nhiều lần rao bán không thành công, Ngân hàng Sacombank đã tổ chức bán đấu giá lần thứ 6 vào đầu năm 2023. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã đấu giá thành công khoản nợ trên.

Xử lý nợ xấu
Tiến trình xử lý nợ VAMC của Ngân hàng Sacombank qua các năm. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, MASV)

Theo đó, Ngân hàng Sacombank đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.

Hiện tại, vướng mắc duy nhất khiến Ngân hàng Sacombank chưa thể "về đích" trong việc hoàn tất Đề án tái cơ cấu vốn được triển khai từ năm 2016 đến nay là chưa xử lý xong khoản nợ xấu được bảo đảm bằng 32,5% vốn cổ phần của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ.

Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank được thế chấp tại VAMC để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp ngân hàng giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sát nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, từ năm 2020, ngân hàng đã  trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý và nhiều lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện phương án.

Tháng 12/2023, sau khi rà soát đánh giá kỹ tính pháp lý, tính khả thi, ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý chi tiết theo hướng cho phép Ngân hàng Sacombank được chủ động xử lý với hình thức bán đấu giá thông qua tổ chức bán đấu giá đủ điều kiện, nhằm thu hồi tối đa nợ gốc, lãi khoanh và lãi/phí phát sinh.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án hoặc có hướng dẫn khác, Ngân hàng Sacombank sẽ nhanh chóng triển khai phương án trên, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nói.

Tính đến cuối năm 2023, Ngân hàng Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý 2/2022. Do đó, Ngân hàng Sacombank sẽ được hoàn nhập dự phòng và hoàn nhập lãi dự thu ngoại bảng khi thanh lý tài sản đảm bảo là số cổ phiếu STB trên.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, do tính chất quan trọng của lô cổ phiếu, việc thực hiện đấu giá vẫn tiềm ẩn nhiều bất định.

Giá cổ phiếu STB Ngân hàng Sacombank
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dự báo nợ xấu của Ngân hàng Sacombank (STB) sẽ tiếp tục giảm, NIM dần tăng tốc" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Việc chưa thể xử lý khoản nợ xấu được bảo đảm bằng 32,5% vốn cổ phần cũng là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Sacombank không thể chia cổ tức cho cổ đông trong suốt nhiều năm, mặc dù lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/6/2024 lên đến 22.629 tỷ đồng - thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống.

Về việc định giá lô cổ phần nói trên, vào năm 2021, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank từng cho biết giá thanh lý để có thể thu hồi nợ gốc, lãi và lãi phạt vào thời điểm đó khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASV), dựa trên những giao dịch bán vốn tương tự trên thị trường giai đoạn 2018 - 2024, Ngân hàng Sacombank có thể thu về 15.000 - 31.000 tỷ đồng trong việc xử lý lô 32,5% vốn cổ phần, tương đương mức giá từ 38.119 - 50.825 đồng/cổ phiếu STB.

Trong khi đó, Chứng khoán ACB nhận định giá đấu giá tối thiểu của lô cổ phần trên là 60.000 đồng/cổ phiếu STB.

MASV cũng lưu ý, theo quy định của VAMC, khi xử lý được nợ xấu, thanh lý được tài sản đảm bảo thì tổ chức tín dụng sẽ nhận được 85% giá trị tài sản được thu hồi, còn VAMC sẽ được hưởng 15%.

Duy Quang