Kết thúc quý đầu năm nay, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu HCM - sàn HoSE) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt 863 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 346 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 125% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả trên chủ yếu đến từ việc mảng dịch vụ và hoạt động tự doanh khởi sắc. Trong đó, Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải thiện mảng môi giới với thị phần mảng môi giới khách hàng cá nhân liên tục được cải thiện trong 3 quý gần nhất; trong khi đó, thị phần môi giới khách hàng tổ chức tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu.
Đặc biệt, Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh không giảm phí giao dịch về 0 như các đối thủ mà điều chỉnh phí theo hướng ưu đãi và linh động hơn.
Nhờ vậy lợi nhuận gộp mảng môi giới của công ty đã tăng 138% trong quý 1/2024, đạt 81 tỷ đồng, và biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên mức 38% (so với 25% của quý 1/2023). Trong khi đó, kết quả kinh doanh mảng môi giới của các hãng chứng khoán khác đã có sự biến động mạnh.
Tính đến hết quý 1/2024, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm nay và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động cho vay vì thế cũng tăng trưởng mạnh, đạt 339 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy dư nợ cho vay của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh đang thuộc nhóm đầu ngành, công ty vẫn đang tiếp tục bổ sung vốn cho mảng margin với mục tiêu dư nợ đạt 18.000 - 20.000 tỷ đồng trong năm 2024. Mức dư nợ này còn cao hơn cả kỷ lục 14.523 tỷ đồng mà công ty thiết lập hồi quý 1/2022 - thời điểm chỉ số VN-Index ở vùng đỉnh lịch sử 1.490 điểm.
Nếu hoàn thành mục tiêu trên, theo một số dự phóng hiện tại, ước tính lãi từ hoạt động cho vay của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh trong năm nay có thể đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Về mảng tự doanh, lợi nhuận mảng này của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh trong quý 1/2024 đạt 136 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận tự doanh của công ty chủ yếu đến từ việc bán cổ phiếu và thu cổ tức hoặc lãi từ trái phiếu.
Vì vậy, nhìn chung đây là dòng tiền thực chứ ít khi có kết quả đột biến từ đánh giá lại Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) như một số hãng chứng khoán khác.
Danh mục đầu tư tính đến cuối quý 1/2023 của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh toàn bộ đều là tài sản FVTPL. Tỷ trọng cổ phiếu niêm yết là khoảng 22%, với giá trị hợp lý khoảng 496,7 tỷ, tương đương tăng 4 tỷ đồng so với giá gốc.
Hãng chứng khoán này đã đầu tư mới vào 04 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản gồm DIG, PDR, TCH và HDC; trong khi giảm tỷ trọng các cổ phiếu còn lại, hầu hết là các mã nằm trong rổ VN30 như HPG, FPT, MBB,..
Đồng thời, Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh phân bổ một lượng lớn tài sản trong danh mục cho trái phiếu, toàn bộ đều là lô trái phiếu của BIDV có độ an toàn cao, với giá gốc là 1.200 tỷ đồng. Động thái mở rộng danh mục đầu tư sang mảng trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp cho kết quả hoạt động tự doanh của Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh có sức bật hơn trong thời gian tới.