Các chỉ số đo lường độ biến động về nguồn cung của hãng nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics (Hoa Kỳ) cho thấy áp lực về đảm bảo nguồn cung tại Hoa Kỳ và châu Âu đã gia tăng trở lại trong tháng 2 vừa qua sau khi giảm xuống trong vài tháng trước đó. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy tình trạng căng thẳng về nguồn cung trên thế giới sẽ khó có thể được sớm giải quyết.
Giám đốc điều hành Jennifer Bisceglie của hãng tư vấn chuỗi cung ứng Interos (Hoa Kỳ) cho biết nhiều ngành công nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô và nhiều loại trong số đó đến từ Nga. Hệ thống cung ứng toàn cầu vốn đã đối mặt nhiều thách thức sau 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát nay phải đối mặt thêm các khó khăn khác khi phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, khiến nhiều loại hàng hoá của Nga khó tiếp cận được thị trường quốc tế như dầu thô.
Người tiêu dùng tại nhiều quốc gia đang ngày càng lo lắng hơn về việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao và rủi ro thiếu hụt lương thực khi nguồn cung dầu mỏ, khí đốt từ Nga bị đứt gãy và nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine lẫn Nga bị thiếu hụt.
Tại Đức, Bộ trưởng Nông nghiệp của bang Baden-Württemberg ông Peter Hauk đã kêu gọi người dân mặc thêm quần áo để chống lại cái lạnh khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị giảm xuống. Nhiều nhà máy tại châu Âu đang phải tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất vì chi phí năng lượng lên cao cũng như thiếu các phụ tùng, vật tư do tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Về phía Nga, hoạt động nhập khẩu của nước này cũng đang bị chặn lại bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Dữ liệu của hãng giám sát chuỗi cung ứng FourKites Inc. (Hoa Kỳ) cho thấy hoạt động nhập khẩu của Nga trên tất cả các phương thức vận chuyển hàng hóa đã giảm đến 62% sau khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bùng phát vào ngày 24/2.
Trong khi đó, khối lượng các lô hàng được chuyển đến Ukraine đã giảm tới 97%. Mặc dù Nga chiếm 5% thương mại đường biển thế giới và Ukraine chỉ chiếm 1%, nhưng giới phân tích cảnh báo nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu lớn hơn đã xuất hiện.
Ngoài những ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra tại Trung Quốc đang buộc nước này áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt tại nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải. Thượng Hải là thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm kinh tế - tài chính của Trung Quốc với nhiều cảng container quan trọng.
Ngày 28/3, hãng vận tải container hàng đầu thế giới A.P. Moller-Maersk A/S đã cảnh báo một số kho bãi phục vụ các cảng địa phương tại Trung Quốc đã bị đóng cửa vô thời hạn vì các biện pháp kiểm soát dịch và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển hàng hoá.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc hiện đã giảm xuống sau khi đạt đỉnh vào tháng 10/2021. Giới phân tích dự báo xu hướng suy giảm xuất khẩu này có thể kéo dài trong vài tháng tới nếu như Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Không Covid” với các biện pháp phong toả nghiêm ngặt. Điều này sẽ khiến hoạt động vận chuyển hàng hoá trên toàn cầu qua đường biển ngày càng trở nên tắc nghẽn hơn và buộc các doanh nghiệp phương Tây phải tìm kiếm nguồn cung mới.
Vận tải biển đóng vai trò của khoảng 80% thương mại thế giới nhưng giá cước vận chuyển một container hàng hóa 40 feet từ châu Á đến Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2021 đã đạt trung bình hơn 10.000 USD. Con số này cao hơn khoảng 7 lần so với mức trước đại dịch. Mặc dù giá cước vận tải đã giảm trong những tuần gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng việc giảm giá này có thể phản ánh sự tạm lắng theo mùa trước khi nhu cầu và chi phí vận tải tăng trở lại.
Tập đoàn ngân hàng Barclays (Anh) nhận định thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự biến động mạnh về tăng trưởng và lạm phát. Tập đoàn tài chính Allianz (Đức) cũng cảnh báo hoạt động thương mại toàn cầu năm nay đang đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về suy giảm khối lượng hàng hoá giao thương và giá nhiều mặt hàng tăng cao.
Tương tự, hãng dịch vụ vận chuyển Clarksons (Anh) đã giảm dự báo về thương mại toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 với nhận định tình trạng tắc nghẽn các cảng biển đang tăng trở lại và những cú sốc mới nhất đang khiến các chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng như gia tăng sức ép lạm phát lên các nền kinh tế.
Tập đoàn Allianz cho rằng tác động từ đợt phong toả mới nhất của Trung Quốc có thể còn lớn hơn những gì mà cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine gây ra với hoạt động thương mại toàn cầu. Giá cước vận tải container được dự báo sẽ tăng trở lại, tiệm cận hoặc thậm chí vượt mức đỉnh trước đó và sẽ chỉ hạ nhiệt vào cuối năm nay.
“Nhìn chung, ngay cả khi chi phí vận chuyển không trở lại mức đỉnh như hồi năm 2021 thì chi phí chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ tắc nghẽn có thể vẫn ở mức cao trong hầu hết năm 2022. Quá trình bình thường hóa có thể bắt đầu rõ ràng hơn chỉ từ năm 2023”, nhà kinh tế học Ana Boata và Françoise Huang thuộc hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes nhận định.