Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Inc., cho biết cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất cơ bản, và làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc đã có tác động phức tạp đến quá trình phục hồi của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, làm chậm quá trình mở rộng xuất khẩu và sản xuất, vốn là những động lực tăng trưởng chính của khu vực này trong năm 2021. Trong khi đó, bất ổn tăng lên và giá năng lượng ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng.
Ông Kuijs cũng cho biết áp lực lạm phát gia tăng và chính sách tăng lãi suất của FED đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ hơn song theo hướng thận trọng. Tuy nhiên, nếu lãi suất ở Hoa Kỳ tăng tỷ lệ thuận với tâm lý lo ngại rủi ro và kích hoạt làn sóng rút vốn, khi đó các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á có thể buộc phải đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ hơn.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, S&P Global Inc. điều chỉnh giảm mạnh nhất dự báo tăng trưởng của Philippines với mức giảm 0,9% xuống còn 6,5% trong năm 2022. Giá năng lượng cao còn gây áp lực lên cán cân vãng lai của một số quốc gia. Malaysia có vị thế thuận lợi trong việc chống chọi với giá năng lượng cao hơn khi vốn là nước xuất khẩu năng lượng ròng, chủ yếu là khí đốt. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của Malaysia sẽ không thể hưởng lợi đầy đủ từ việc giá năng lượng tăng do chính phủ nước này có thể khống chế mức giá bán ra.
Indonesia cũng là nước xuất khẩu năng lượng ròng nhưng chủ yếu là xuất khẩu than đá. Các nền kinh tế khác trong khu vực là những nhà nhập khẩu năng lượng ròng, do đó giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Đối với toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, S&P Global Inc. dự báo khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay và khoảng 4,5% vào năm 2023 – 2025, khiến đây vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. S&P Global Inc. dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) về cơ bản không thay đổi vì các nền kinh tế này được coi là có năng lực chống chịu tốt trước cú sốc lạm phát.