Vừa qua, đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tư vấn gói thầu khảo sát xây dựng và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III giữa đại diện chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 và Liên danh Nhà thầu Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3).
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lạc Thái Phước - Tổng giám đốc PECC3 cho biết, gói thầu này giữ vai trò quan trọng thuộc đường găng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, nên vấn đề chất lượng, tiến độ phải đặt lên hàng đầu.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III có công suất 1050MW, sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên khai thác từ mỏ khí Lô B cấp qua đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và nguồn khí bổ sung khác khi cần thiết để phát điện.
Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đóng vai trò quan trọng trong chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Theo Quy hoạch Điện VIII, dự án này dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành thương mại vào năm quý 2/2030.
Như đã phân tích, chuỗi dự án với đặc thù cần có tiến độ đồng bộ đã trải qua thời gian rất dài (gần 20 năm), nhiều lần đàm phán khó khăn, giằng co giữa các đối tác trong và ngoài nước, quá trình chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan.
Tiến độ triển khai chuỗi dự án hiện phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai các nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng khí, đồng thời phù hợp với tiến độ dòng khí đầu tiên đã đề ra.
Tuy nhiên, khâu này đang có độ trễ nhất định so với các khâu còn lại trong toàn chuỗi do gặp các vướng mắc về nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, đòi hỏi rút ngắn thủ tục phê duyệt Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV, đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán điện của các nhà máy điện sử dụng khí Lô B…
Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai các công tác rà soát, thiết kế chi tiết, lập kế hoạch mua sắm thiết bị, chương trình khoan… của khâu thượng nguồn.
Với việc gói thầu FS của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III được triển khai, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ sớm có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID). Qua đó, kỳ vọng mở ra thời kỳ phát triển mới với toàn ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thượng nguồn như Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS)…
Chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Dự án có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như MOECO, PTTEP, Marubeni, PVN, PVEP, PVGas, Vietracimex.
Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chuỗi dự án khi triển khai cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.