Còn nhớ, năm 2020 nhận nhiệm vụ lãnh đạo Tòa soạn giao, tôi thực hiện chuyến công tác tìm hiểu viết bài về đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sự phát triển bền vững trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Vốn dĩ, đây cũng chỉ là một chuyến đi thực tế viết bài như biết bao chuyến đi khác.
Lịch làm việc đã đặt sẵn, kế hoạch đã thông báo tới các đơn vị chính xác đến từng giờ, Tôi không thể vì mưa bão mà thay đổi kế hoạch. Mà thời điểm ấy, nhiệm vụ chính trị cần phải tuyên truyền về công tác đảm bảo nguồn cung xăng đầu trên địa bàn khu vực Tây nguyên khá cấp bách, bởi đây là địa bàn trọng yếu, rất quan trọng.
Chuyến bay vào khá yên ổn nhưng đến giữa chừng của chuyến công tác, cơn bão số 9 ập tới kinh hoàng hơn nhiều so với dự báo trước đó. Đến mức, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum - Võ Duy Tuấn chia sẻ: sống ở Kon Tum gần 30 năm lần đầu anh chứng kiến cơn bão lớn và kinh hoàng như vậy.
Trong hoàn cảnh đó, tôi nhẩm tính, nếu không tiếp tục chuyến đi sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ được giao, nên thôi, "quyết liều" một phen. Nhưng cũng chính nhờ quyết định liều lĩnh ấy, tôi mới chứng kiến và cảm nhận được sự dũng cảm và vất vả của những người làm xăng dầu. Trong cơn bão số 9, được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua họ vẫn phải đối mặt với hiểm nguy để đảm bảo không để nguồn cung đứt gãy.
Chúng tôi di chuyển trên những cung đường hai bên sạt lở nghiêm trọng, mưa bão táp vào kính chắn gió dồn dập, dù cho gạt nước có quét hết công suất nhưng xe vẫn phải dò dẫm từng mét để đảm bảo an toàn. Trên chặng đường đi ở Kon Tum, đoạn đường đèo Măng Đen thuộc huyện Kon Plông bị nứt làm đôi, cực kỳ nguy hiểm, cây cối đổ rạp, có lúc chắn ngang đường như càng thêm thử thách bản lĩnh và cả sự liều lĩnh của chúng Tôi.
Đến Huyện Kon Rẫy, cây cầu sắt chắc chắn là thế mà ào một cái, nước lũ đổ về bẻ gãy, cuốn trôi như cuốn một cành tre. Vừa sợ, vừa thương những con người lao động thầm lặng không quản thời tiết vẫn mải miết để cung cấp những giọt xăng dầu cho những nơi còn đang cần đến. Đi qua đoạn xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, từ bên đường nhìn xuống, nước dâng gần ngập nóc nhà dân, gây chia cắt tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Đak Glei.
Trên các cung đường khác, từ Gia Lai về Buôn Ma Thuột cây liên tục đổ ngang đường, anh em chúng tôi lại “hò dô”, đội mưa xuống dẹp đường. Chiếc SUV bình thường lừng lững như con trâu mộng, thế mà trong bão mới thấy tất cả đều nhỏ bé và cảm giác như có thể bị thổi bay.
Lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến các phương tiện ra vào ở một số địa điểm bán xăng dầu, thế mà, lãnh đạo các công ty trên địa bàn Tây Nguyên vẫn trực tiếp đến hiện trường kiểm tra và cho ý kiến chỉ đạo kịp thời về các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn, thực hiện vệ sinh môi trường…
Mọi hoạt động kinh doanh bán hàng trên các địa bàn được duy trì và đảm bảo thường xuyên. Các đại lý, cửa hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu vực thuộc vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt cục bộ, dài ngày cũng đã tăng nguồn hàng dự trữ tại chỗ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi điều kiện thời tiết, không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa thiết yếu.
Tôi còn nhớ như in lời của Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum Võ Duy Tuấn chia sẻ: “Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum hiện có 28 Cửa hàng Xăng dầu trực thuộc, hiện diện tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum, kể cả những huyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt bởi cơn bão số 9 này; hiện tại, Chi nhánh đảm bảo dự trữ xăng dầu đủ để phục vụ nhu cầu của địa phương trong nhiều ngày theo quy định.
Ngoài ra, đơn vị còn yêu cầu 100% người lao động có mặt đầy đủ tại Cửa hàng để phòng chống lụt bão, trực bán hàng và bảo vệ Cửa hàng; tất cả các Cửa hàng đều được trang bị máy phát điện và luôn trong trạng thái sẵn sàng sử dụng khi bị mất điện lưới; đảm bảo hoạt động cung ứng xăng dầu diễn ra bình thường và an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống”.
Kết thúc chuyến công tác đầy bão tố, tôi cũng không thể trở về ngay vì ảnh hưởng của bão nên tất cả các chuyến bay phải dừng bay. Cuối cùng, phương án duy nhất mà chúng tôi có thể lựa chọn là đi ô tô từ Kon Tum, Gia Lai, rồi qua Buôn Ma Thuột (thuộc tỉnh Đak Lak) để đi về Khánh Hòa mới bay ra được Hà Nội.
Tôi an toàn trở về từ tâm bão, nhưng dư âm thì kéo dài dai dẳng và sự cảm phục hình ảnh những người lao động quên mình vì an ninh năng lượng quốc gia thì lưu mãi trong tâm trí, tôi cũng thầm biết ơn những chuyến đi thực tế, những lần gặp khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp giúp cho tôi trưởng thành hơn về nghề.