Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thương mại và Công nghiệp. Thương mại điện tử được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền Kinh tế số, với mức tăng trưởng cao và đồng đều khoảng 25-30% trong 10 năm vừa qua. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về thương mại điện tử. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch, thương mại điện tử vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hoá giữa đại dịch.
Thực hiện vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Hiện, hầu hết các tỉnh có vùng trồng, vùng nuôi tập trung đều thực hiện phương thức bán hang trên nền tảng sốt. Cùng với thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ nên đã thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, biệt là hàng nông sản, đặc sản vùng miền đến các thị trường để tận dụng cơ hội từ các FTA… Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, Bộ đã xác định chuyển đổi số ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới, hướng việc cung ứng điện một cách hiệu quả, nhằm xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn. Lĩnh vực công nghiệp cũng đã sử dụng các biện pháp kiểm soát quá trình và tự động hóa, số hoá trong những năm gần đây, để tối đa hóa chất lượng, sản lượng trong khi giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các chi phí đầu vào liên quan.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.
Thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó, có phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, như gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh…).
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó, có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Triển khai Quyết định 06 - đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). Trong quý I/2022, Cổng đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong Quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử...
Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam Quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26% (từ 26,92 Mbps lên 33,90 Mbps), ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44% (từ 44,18 Mbps lên 67,96 Mbps). Cả nước hiện còn 980 thôn thiếu sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022; 118 thôn chưa có điện, 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%...