Chuyên gia "hiến kế" thu hút đầu tư từ Hàn Quốc và phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Cùng với việc hỗ trợ kết nối với các đối tác công nghệ lớn của Hàn Quốc, các chuyên gia của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị một số giải pháp ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Chiều ngày 30/6, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc. Sự kiện được tổ chức bên lề chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc.

Dự cuộc làm việc có TS. Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK), GS Phạm Đình Lâm, Phó Chủ tịch VINK, cùng 28 thành viên là chuyên gia thuộc các lĩnh vực AI, bán dẫn, năng lượng điện, y sinh, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, y khoa, năng lượng... đang làm việc tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, bên lề chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo VINK đã báo cáo một số tình hình hoạt động của Mạng lưới tại Hàn Quốc như số lượng thành viên, các hoạt động tiêu biểu bao gồm hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội thảo và cố vấn khoa học...

VINK đã hỗ trợ nhiều hoạt động như thành lập Trung tâm AI Việt Nam - Hàn Quốc, tổ chức các hội thảo về AI và Internet, tư vấn pháp lý cho một số doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc. VINK cũng thúc đẩy chương trình khởi nghiệp và huấn luyện cho các startup Việt Nam tại Hàn Quốc. Kế hoạch năm 2024 sẽ tiếp tục các hoạt động hiện tại và triển khai chương trình Vườn ươm tài năng trong lĩnh vực AI, với sự đồng hành và hỗ trợ kết nối từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Tại buổi làm việc, Đại diện VINK đã đề xuất một số giải pháp về việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là Báo cáo thực tiễn kinh nghiệm Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp bán dẫn, đề xuất 3 khâu trong sản xuất chip bán dẫn phù hợp với Việt Nam: Đóng gói bán dẫn, thiết kế chip và sản xuất chip truyền thống.

Về phát triển đóng gói trong công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, VINK nêu một số ưu tiên cần thực hiện để tạo điều kiện cho lĩnh vực này, bao gồm: cần đảm bảo điện, đầu tư vào sản xuất substrate và công nghệ đóng gói tiên tiến, giảm bớt thủ tục hành chính và phân quyền cho cơ sở để việc mở rộng đầu tư trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần ưu đãi thuế và vốn cho các doanh nghiệp đào tạo nhân lực bán dẫn, tăng cường hợp tác với các quốc gia khác như Israel và Singapore.

VINK cũng đưa ra đề xuất về Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng AI hỗ trợ người khuyết tật nhằm mục tiêu nghiên cứu và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khuyết tật. Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ, Trung tâm sẽ tập trung vào việc phát triển các công cụ giúp người khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật vận động tham gia vào các hoạt động hàng ngày và lao động sản xuất. Trung tâm là đơn vị phi lợi nhuận, nhân sự là các tình nguyện viên hỗ trợ theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trung tâm huy động nguồn hỗ trợ xã hội hóa. Trong giai đoạn phát triển, Trung tâm cần sự hỗ trợ kết nối của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những hoạt động và đóng góp của VINK trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Mạng lưới tăng cường kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục triển khai và phát triển các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như Vietnam - Korea Stratup (VKSE).

Đối với các hoạt động, dự án mũi nhọn và trọng tâm đang triển khai tại Trung tâm (về đào tạo bán dẫn, đào tạo AI), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Mạng lưới đẩy mạnh kết nối với các chuyên gia hàng đầu thế giới, các viện, trường có khả năng hợp tác, cung cấp, chuyển giao các chương trình đào tạo và các đơn vị, tổ chức (Đơn vị ươm tạo, tăng tốc; Quỹ đầu tư; các Tổ chức Khoa học công nghệ,...) có các nguồn lực phù hợp có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động này.

Theo Bộ trưởng, hiện nay Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đang đưa vào vận hành cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc (rộng gần 20.000 m2) với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các đối tác hoạt động tại Trung tâm. Bộ trưởng đề nghị các thành viên Mạng lưới phối hợp Trung tâm kết nối các đối tác công nghệ lớn của Hàn Quốc, quan tâm đến thị trường Việt Nam, có thể thiết lập các đơn vị nghiên cứu, văn phòng, phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất tại NIC Hòa Lạc.

Về hoạt động trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị VINK tiếp tục chia sẻ các kiến thức về công nghệ: tạo thêm nhiều diễn đàn, hội thảo để chia sẻ kiến thức và công nghệ mới, kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nội dung số, đặc biệt là các ngành công nghiệp là thế mạnh của Hàn Quốc để tận dụng các nguồn lực, các kết nối tại đây.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn VINK tiếp tục kết nối để mở rộng sự tham gia của các thành viên mới, cần mở rộng các chuyên gia, trí thức người Việt và quốc tế quan tâm và muốn tìm hiểu về thị trường, các cơ hội đầu tư, hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ tại Việt Nam; trên cơ sở mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Việt Hằng