Gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và theo dự báo thời gian tới hai nước còn nhiều dư địa, điều kiện thuận lợi để gia tăng hợp tác đa dạng về thương mại, đầu tư.

Từ ngày 30/6 - 3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Phu nhân.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Hàn Quốc kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2022.

Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân trong chuyến công tác có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ. Lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan địa phương cùng tham gia Đoàn công tác.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại 3 diễn đàn, gồm diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, diễn đàn lao động Việt Nam - Hàn Quốc; 2 tọa đàm gồm tọa đàm với lãnh đạo các Tổ chức kinh tế Hàn Quốc và tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng sẽ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc; thăm gia đình đa văn hóa Việt-Hàn, phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul và thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi...

thủ tướng
Sáng 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Phu nhân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hàn Quốc củng cố vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác ODA, thứ ba về hợp tác lao động, thương mại và là thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2023. Hợp tác trên các lĩnh vực khác, như văn hóa, giáo dục, lao động, địa phương... cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sáu tháng đầu năm 2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) điều chỉnh tăng thêm vượt trội so với các tháng đầu năm với gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,8%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 26,4%).

Lũy kế đến ngày 20/6/2024, cả nước có 40.544 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Trong số 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký gần 87,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư) và hơn 9.957 dự án còn hiệu lực. 

Theo ước tính chưa đầy đủ đến cuối năm 2023 có khoảng hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đều đang có mặt và triển khai nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn LG, Tập đoàn Lotte, Tập đoàn Doosan, Tập đoàn Huyndai, Tập đoàn The Shilla Hotels & Resorts…

Hàn Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, tháng 7/2023. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại song phương và hợp tác chuỗi cung ứng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 25,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.  Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024 có giá trị 8,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ cấu các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024 gồm: nhóm chế biến, chế tạo (6,9 tỷ USD, tăng 11%); nhóm nông, thuỷ sản (425 triệu USD, tăng 15%); nhóm vật liệu xây dựng (355,2 triệu USD, tăng 11%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (78,4 triệu USD, giảm 17,2%).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm: nhóm chế biến, chế tạo (14,7 tỷ USD, tăng 8%); nhóm nông, thuỷ sản (142,4 triệu USD, tăng 14,1%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (958,1 triệu USD, giảm 18,6%); nhóm vật liệu xây dựng (697 triệu USD, giảm 0,2%).

xuất nhập khẩu Hàn Quốc
(Nguồn: Tổng cục Hải quan/Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc)

Theo đánh giá, hiện nay tiềm năng để phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc là rất lớn.

Trong đó, để gia tăng thu hút hợp tác đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác, đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng phù hợp tại các địa phương lân cận với các dự án đầu tư lớn của Hàn Quốc để đón làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kết nối đầu tư, giao thương đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử, dệt may nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như toàn cầu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tận dụng hiệu quả lợi ích của các FTA mà Việt Nam và Hàn Quốc tham gia ký kết. Cần chuẩn bị nguồn lực, phối hợp với Hàn Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chế biến khoáng sản và phụ tùng trọng yếu của Hàn Quốc như các sản phẩm đất hiếm phục vụ cho ngành công nghiệp chip Hàn Quốc, Ure lỏng, đồng, kẽm trong ngành sản xuất pin xe điện….

Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng được dự báo có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. 

Ngoài FTA song phương, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thêm lựa chọn khi có hoạt động giao thương xuất nhập khẩu với Hàn Quốc nhờ vào Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ đầu năm ngoái và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) đã có hiệu lực trước đó.

Tuy nhiên để sản phẩm thâm nhập và tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ phân khúc thị trường, sản phẩm cần đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình kiểm dịch.... Bên cạnh đó còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết... Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

Thông qua các hoạt động đa dạng với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam, hai Bên kỳ vọng sẽ nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước. Qua đó, hai Bên có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Việt Hằng