Chuyện kể ở công ty cổ phần Hàm Rồng và hành trình hồi sinh của công ty và vị giám đốc không chịu ngồi yên

Tôi may mắn đã được làm bạn với anh khá lâu, nên biết rõ từng bước thăng trầm và chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng của Công ty cổ phần Hàm Rồng - Thanh hoá, nơi mà anh và các cộng sự đã ra sức chèo c

 

                        Về nhận cái cơ ngơi “sập sệ” ấy, ai cũng ái ngại cho anh. Nhưng lòng đã quyết, nên Lê Văn Hưng đã bỏ qua tất cả những lời cản ngăn của bạn bè. Lúc đó, trong sâu thẳm, anh không muốn nhà máy chết, không muốn vì thế mà hơn hai trăm con người phải theo nó mà ra đứng đường. Song, làm thế nào để vực được nó dậy! đó là câu hỏi khó, đòi hỏi phải có quyết tâm và lòng dũng cảm. Là bạn anh, tôi biết, anh đang “yêu”. Thì rõ quá còn gì, chỉ có những người đang yêu mới dám hy sinh, mới lăn xả vào nơi sóng gió. Và đây là tình yêu của anh với nhà máy, với trên hai trăm con người. Chẳng thế mà đang là Phó phòng Kế hoạch của Sở Công nghiệp Thanh Hoá, đùng một cái anh xuống nhận làm giám đốc cái công ty “sắp chết” đó trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Không có vốn, Hưng cậy cục vay bạn bè, vẫn chưa đủ, anh lẳng lặng đem giấy tờ nhà đất ra ngân hàng thế chấp. Anh biết, làm như vậy là anh đã đồng thời thế chấp ngay chính hạnh phúc của đời mình. Thành công thì chưa biết, nhưng nếu thất bại thì... ai dám chắc là không tan vỡ cả gia đình! Nhưng đã quyết là làm, sau hơn một tháng tìm hiểu và lắng nghe ý kiến của CBCNV, việc đầu tiên là anh cho tinh giản bộ máy quản lý: giải tán bộ máy quản lý 3 phân xưởng gồm 9 người, chia các phân xưởng làm 2 ca với 2 đốc công; bộ máy văn phòng có 37 người, anh cho rút xuống còn 15 người. Tất cả số dôi dư đó, anh gom lại thành đội quân tiếp thị do anh trực tiếp điều hành. Vậy là anh đã làm được hai việc lớn.

            Việc tiếp theo là làm sao để khôi phục và phát triển sản xuất. Không biết thì phải học, Hưng nghĩ như vậy. Thế là anh đi mua sách, mượn sách về cùng anh em đọc, xem và cùng rút ra bí quyết. Và cũng chính anh, một mình phi xe máy vào tận Nghệ An để tìm hiểu xem, vì sao mà Công ty Hoá chất Vinh đạt doanh thu tới 10 tỷ đồng/năm. Hướng đi, cách làm đã hình thành, anh lao vào chỉ đạo sản xuất, rồi cùng đội quân tiếp thị đến từng cơ quan, làng xã, vào từng nhà dân để bán cho được từng cân sản phẩm. Làm giám đốc như anh thì cũng là hiện tượng lạ. Ai đời, ngực đeo biển giám đốc, vai khệ nệ vác bao phân và một mình một xe máy lọ mọ khắp nơi. Nhưng chính những nỗ lực hy sinh ấy đã làm thức dậy nhiệt tình của anh chị em cán bộ.

            Công sức bỏ ra cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng. Nhà máy đã sống và vươn lên với tốc độ phi thường, trả được hết các món nợ, doanh thu năm 1999 đạt 10 tỷ đồng, năm 2000 đạt trên 20 tỷ đồng, đời sống CBCNV được cải thiện đáng kể. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, trên chặng đường phát triển chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai. Muốn phát triển nhanh thì phải cổ phần hoá. Công bằng mà nói, đây là một tư duy rất táo bạo ở thời điểm đó. Trong khi các công ty khác tìm mọi cách để “trốn” cổ phần, thì cái công ty vừa sống lại này lại quyết tâm làm. Mà hiềm một nỗi, có phải muốn cổ phần là được cổ phần ngay đâu. Vì vậy, “vị giám đốc không chịu ngồi yên (TG)” Lê Văn Hưng lại phải đi cậy cục khắp nơi để xin được cổ phần hoá. Quyết tâm của anh đồng thời cũng là quyết tâm của tập thể lãnh đạo công ty. Cuộc vận động góp cổ phần được triển khai rộng khắp trong CBCNV, ai không có tiền thì giám đốc cho vay không lấy lãi, khi nào có thì trả. Thoạt đầu nghe qua, tôi cũng lấy làm lạ, sao anh phải làm như vậy. Sau này tôi mới hiểu ra, có như vậy mới khơi dậy được ý thức xây dựng công ty trong toàn thể CBCNV, tạo nên sức mạnh tập thể       Và chính cái sức mạnh tập thể đó đã giúp Công ty phát triển nhanh như vũ bão. Năm 2000, Công ty đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phân NPK công suất 30.000 tấn/năm; năm 2001, đầu tư áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000; năm 2002, đầu tư mới 2 nhà máy: Nhà máy sản xuất nước mắm Thiên Hương, công suất 1,5 triệu lít/năm theo công nghệ cổ truyền, với hệ thống thùng gỗ đặt trong nhà kính; Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Đại Phước, công suất 14.000 tấn/năm, máy móc thiết bị do Trung Quốc chế tạo, sử dụng phần mềm điều khiển sản xuất công nghệ Mỹ; năm 2003 đầu tư mới Nhà máy gạch tuynen Sơn Trang, công suất 40 triệu viên/năm, máy móc thiết bị do Ucraina và Việt Nam chế tạo, áp dụng công nghệ sấy đốt bằng lò tuynen hiện đại nhất Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã được mở rộng gồm: Phân bón các loại: NPK, lân nung chảy, hữu cơ sinh học, quặng phôtphorit, phân thuỷ canh... với công suất 50.000 tấn/năm; gạch ngói tuynen: gạch xây các loại, ngói lợp, gạch ngói móng trang trí, công suất 40 triệu viên/năm; nước mắm, muối sạch, bột canh công suất 1,5 triệu lít/năm; thức ăn chăn nuôi, công suất 14.000 tấn/năm. Doanh thu năm 2004 đạt 35 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,6 tỷ đồng. Riêng quý I/2005, doanh thu đạt 11 tỷ đồng, nộp ngân sách 600 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho 550 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng.

            ấy vậy mà bạn tôi vẫn không chịu ngồi yên. nhiều lần tôi đã bắt gặp anh tha thẩn trong Trường Đại học Bách khoa. Hỏi, thì anh chỉ buông lửng một câu ngắn gọn: “Tớ đi tìm công nghệ”. Gần đây anh mới tiết lộ, nhờ việc đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, công nghệ khá hiện đại và áp dụng Hệ thống ISO 9001: 2000, nên chất lượng và mẫu mã sản phẩm của Công ty đã có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm phân bón Hàm Rồng đã trở thành thương hiệu mạnh trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã vào được thị trường Thanh Hoá và đang vươn ra các tỉnh phía Bắc; gạch ngói tuynen Sơn Trang và nước mắm Thiên Hương tuy mới ra đời, nhưng đã nhanh chóng được người tiêu dùng tín nhiệm, sản xuất ra tới đâu, tiêu thụ hết đến đó.

            Là bạn anh, tôi cũng thương anh vất vả, nhưng cũng thầm cảm phục và mong cho anh đừng bao giờ... ngồi yên. Bởi như vậy thì Công ty sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn

  • Tags: