Cơ cấu tổ chức và nội dung hợp tác

Cơ cấu tổ chức Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam châu á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập từ nhiều năm nay. Cơ chế hợp tác trong ngành năng lượng ASEAN đã được hình thành từ lâu và thực sự có hiệu quả k

Hiện nay, cơ cấu tổ chức hợp tác năng lượng ASEAN bao gồm nhiều cấp độ, từ các Tổ công tác chuyên ngành, Ban chủ nhiệm các dự án, chương trình, các màng lưới, diễn đàn chuyên ngành đến các hội đồng, cuộc họp các quan chức cao cấp về năng lượng (SOME), và cao nhất là Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM). Đồng thuận - nguyên tắc cơ bản của ASEAN được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh trong hoạt động hợp tác năng lượng.

Hội nghị Bộ trưởng quyết định các vấn đề lớn của hợp tác như phê chuẩn cơ cấu của các hợp tác phân ngành, các chương trình, dự án lớn, đường lối chính sách trong hợp tác năng lượng trong nội bộ ASEAN và với các đối tác. Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN mỗi năm họp một lần tại các nước thành viên, luân phiên theo vần chữ cái. Bộ trưởng nước chủ nhà là chủ tịch của AMEM trong vòng một năm, có trách nhiệm giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.

                Cuộc họp Các quan chức cao cấp về năng lượng (SOME) là cơ quan giúp việc cho AMEM, giải quyết các vấn đề cụ thể do các phân ngành đề xuất hoặc kiến nghị lên trên; Chuẩn bị  nội dung, chương trình, văn kiện hội nghị, các tuyên bố, thông cáo, các dự thảo Hiệp định hợp tác năng lượng...để trình AMEM. Tượng tự như AMEM, SOME thực hiện nguyên tắc đăng cai luân phiên, nước đăng cai SOME, đồng thời được bầu là Chủ tịch trong vòng một năm.

 

         Trung tâm Nghiên cứu năng lượng ASEAN (ACE) được thành lập năm 1999. ACE thực hiện các nhiệm vụ do SOME giao, đồng thời  làm nhiệm vụ thường trực, điều phối một số chương trình dự án, tiếp nhận và hỗ trợ các màng lưới, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ACE là phối hợp với các quốc gia thành viên hình thành trang chủ về dữ liệu năng lượng, phát hành tạp chí về các hoạt động trong lĩnh vực của từng quốc gia và của cả khu vực.

Giúp việc và hỗ trợ cho SOME còn có một số cán bộ chuyên môn của Vụ cơ sở hạ tầng, Ban thư ký ASEAN.

Các phân ngành lớn đã thành lập các tổ chức riêng để tăng cường sự hợp tác của phân ngành mình. Các tổng công ty dầu khí ASEAN đã thành lập Hội đồng Dầu mỏ ASEAN (ASCOPE) từ nhiều năm nay, Hội đồng có Ban thư ký thường trực. Theo mô hình của ASCOPE, Diễn đàn những người đứng đầu các cơ quan, tổng công ty điện lực (HAPUA) từ năm 2004 cũng được các Bộ trưởng thông qua phương án chuyển thành Hội đồng và có Ban thư ký giúp việc. Cơ cấu hợp tác của ngành Than đã phát triển từ  dạng màng lưới lên thành Diễn đàn Than ASEAN (AFOC) trong những năm gần đây.

Để điều phối các hoạt động hợp tác trong các phân ngành khác, AMEM đã chấp thuận đề xuất của SOME và đã thành lập các màng lưới theo các lĩnh vực như sau:

- Màng lưới về Bảo tồn và hiệu quả năng lượng;

- Màng lưới về Năng lượng tái tạo;

- Màng lưới về Chính sách và quy hoạch năng lượng khu vực.

Song song với các cơ chế tổ chức nội bộ, hợp tác năng lượng ASEAN còn có các tổ chức nhằm tăng cường sự hỗ trợ của các nước đối tác. Hiện nay, các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng ASEAN đã hình thành cơ chế hợp tác như AMEM+1 (METI, Nhật Bản) AMEM+ 3, SOME +1 và + 3. Cộng đồng Châu Âu tài trợ và cử cán bộ tham gia Ban điều hành và quản lý Quỹ Năng lượng EC-ASEAN.

Diễn đàn doanh nghiệp năng lượng ASEAN (AEBF) đã được hình thành và được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho các doanh nhân đối thoại trực tiếp với các Bộ trưởng và các quan chức cao cấp của Chính phủ, nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các dự án năng lượng.

Nội dung hợp tác

Nội dung hợp tác năng lượng ASEAN được phân theo nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn tập trung vào phục vụ cho thực hiện các dự án Hệ thống ống dẫn khí xuyên ASEAN và Dự án Liên kết lưới điện ASEAN được nêu trong chương trình Hành động Hà Nội và Viễn cảnh ASEAN 2020. Gần đây, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng nổi lên thành vấn đề chủ chốt.

Các nội dung nêu trên và các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác năng lượng ASEAN được trình bày và thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 22 (AMEM22) vừa được tổ chức tại Philippin trong đầu tháng 6/2004. Thông qua các nội dung của AMEM 22, có thể hiểu rõ các vấn đề mấu chốt trong hợp tác năng lượng ASEAN.

Vấn đề an ninh năng lượng là một trong những nội dung lớn của AMEM 22 đã được các Bộ trưởng đề cập tới trong các bài phát biểu của mình.

Tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực ASEAN, đặc biệt là trước tình hình giá dầu tăng cao như hiện nay là rất quan trọng. Trước thực tế là các nước ASEAN hiện đang nhập siêu dầu mỏ và có đến 60% lượng tiêu thụ năng lượng sơ cấp là phụ thuộc vào nhập khẩu, cần thiết hợp tác hơn nữa trong khối và với các quốc gia Tây á để tăng cường nguồn cung cấp dầu mỏ dài hạn cho ASEAN, đồng thời nỗ lực tăng cường khai thác, đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng đề nghị các nước thành viên cùng phối hợp tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển ngành Năng lượng, đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực của kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển ngành năng lượng trong khu vực.

Trong tình hình không ổn định như hiện nay, vấn đề an ninh năng lượng trở thành mục tiêu hàng đầu cho các quốc gia, nhất là các nước ASEAN khi kinh tế đang tăng trưởng cao, dẫn tới nhu cầu năng lượng tăng mạnh. Các nước ASEAN nhấn mạnh, an ninh năng lượng là nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững của ASEAN, sự cần thiết thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau thông qua các nỗ lực hợp tác song phương và đa phương để có sự chuẩn bị ứng phó cho các tình huống khẩn cấp, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đa dạng hóa các dạng nguồn năng lượng, và phát triển các nguồn năng lượng mới, để đảm bảo an ninh năng lượng trước tình hình nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh, đồng thời khẳng định rằng, Dự án Liên kết lưới điện và Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN sẽ mang lại lợi ích to lớn về an ninh năng lượng, nâng cao tính linh hoạt và chất lượng nguồn cung cấp năng lượng và tăng tính cạnh tranh.

Hội đồng Dầu mỏ ASEAN (ASCOPE) đã báo cáo về những hoạt động, những bước tiến triển của dự án Liên kết đường ống dẫn khí xuyên ASEAN và thông báo Bản ghi nhớ (MOU) về đường ống dẫn khí ASEAN có hiệu lực trong tháng 6/2004 sau khi 10 nước thành viên có văn bản phê chuẩn. Nhiều công việc nhằm thực hiện MOU như việc chuẩn bị các thỏa thuận về mua bán khí, chuyên chở khí, đề xuất thành lập công ty liên doanh trong lĩnh vực khí, việc khai trương trung tâm khí ASEAN (AGC) tới đây tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaixia vào tháng 8/2004, Hội nghị Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến về Hiệp định An ninh dầu khí ASEAN 1986 bổ sung sửa đổi (APSA). Hội nghị nhất trí cần phải tìm ra cơ chế hợp tác, phối hợp khu vực trong tình huống khẩn cấp, thiếu hụt nguồn cung cấp dầu khí và đồng ý cần tổ chức Hội nghị đặc biệt của SOME vào quý 3/2004 để bàn về việc này. Hội nghị tán thành việc theo đuổi đối thoại với các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông, nhằm tăng cường an ninh năng lượng và ổn định thị trường dầu mỏ trong khu vực.

Các hoạt động có liên quan của Tổ chức những người đứng đầu các cơ quan, Tổng công ty Điện lực ASEAN (HAPUA) cũng là trọng tâm của Hội nghị. Hội nghị đã phê chuẩn Bản ghi nhớ và cơ cấu tổ chức, hoạt động mới của HAPUA, hoan nghênh việc chuyển Diễn đàn HAPUA thành Hội đồng HAPUA dưới sự điều hành của AMEM và thành lập 8 Tổ công tác chuyên ngành giao cho các quốc gia điều phối. Ban thư ký thường trực HAPUA đã được thành lập theo nhiệm kỳ 3 năm. Hội nghị hoan nghênh sáng kiến HAPUA về việc chuẩn bị cho chính sách liên kết và mua bán điện thông qua một hiệp định hợp tác ASEAN, cũng như thúc đẩy triển khai liên kết lưới điện ASEAN với 5 dự án liên kết, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2005-2009.

Ngoài các dự án lớn như thuộc lĩnh vực dầu khí và điện lực đã nêu trên, Dự án tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu, Dự án nâng cao năng lực trong lập kế hoạch an ninh năng lượng, Chương trình tiêu chuẩn hóa và dán nhãn, Các dự án trong Sáng kiến ASEAN về hội nhập IAI, Dự án hỗ trợ về chính sách năng lượng (EPSAP), Chương trình năng lượng tái tạo NRSE, Kiểm toán năng lượng, Công nghệ than sạch, Thủy điện nhỏ, Đồng phát điện COGEN, Mạng lưới thông tin cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo PRESSEA, Mạng lưới các nhà máy điện độc lập GR-IPP-Net và Chương trình năng lượng tái tạo quy mô nhỏ ASREP… cũng đã được ACE và các màng lưới phối hợp với các đối tác triển khai thực hiện.

Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2004-2009 cũng đã được Hội nghị thông qua. Mục tiêu của APAEC 2004-2009 là nhằm đảm bảo sự hợp tác liên tục, ổn định về chính sách và kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng khu vực ASEAN, hướng tới hội nhập kinh tế khu vực. APAEC kêu gọi phát triển năng lượng bền vững, tăng cường hội nhập cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực, tăng cường an ninh năng lượng, không ngừng xây dựng các chính sách cho cải cách và mở cửa thị trường, cũng như bảo vệ môi trường. Kế hoạch hành động APAEC 2004-2009 sẽ định hướng cho nhiều sáng kiến mới như: khuyến khích phát triển năng lượng sinh học (bioenergy), sử dụng khí nén làm nhiên liệu thay thế trong vận chuyển khí trên biển,… Hội nghị nhất trí tăng cường sử dụng các dạng nhiên liệu sinh học (biofuel) trong khu vực ASEAN, tường cường phát triển năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát điện của khu vực ASEAN, đạt ít nhất 10% trong vòng 6 năm tới, nhằm góp phần giải quyết vấn đề giá dầu tăng nhanh.

Hợp tác năng lượng ASEAN đã nhận được sự giúp đỡ quý giá về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ nhiều quốc gia và tổ chức như ôxtrâylia, EU, Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ, các tổ chức UNESCAP, IEA, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng châu á - Thái Bình Dương (APERC)…

Năng lượng là một trong 4 trụ cột của phát triển bền vững. Các nước ASEAN luôn coi trọng việc hợp tác trong Hiệp hội và với các đối tác, các nước đối thoại, nhằm phát triển các nguồn năng lượng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nhất, đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế và đồng thời bảo vệ môi trường. Hợp tác năng lượng ASEAN vì lợi ích và là nghĩa vụ của các nước thành viên, sự tham gia tự nguyện, tích cực và có hiệu quả của các nước thành viên làm nên sự thành công của hợp tác năng lượng ASEAN./.

  • Tags: