Hội trại văn hóa tại Lễ hội Đền Hùng 2024 tiếp tục có sự tham gia của 13 huyện, thị, thành và một số đơn vị doanh nghiệp. Các trại văn hóa được thiết kế mang đậm nét văn hóa truyền thống, có bố trí các gian trưng bày hiện vật, tư liệu tranh ảnh, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương.
Hội trại tái hiện lại những phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Mỗi trại được thiết kế mang đậm nét văn hóa và đặc trưng của từng địa phương, trong đó bố trí khu vực trưng bày tranh ảnh, tư liệu, giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá tiềm năng du lịch. Tại hội trại còn trưng bày, giới thiệu nông sản, hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương như: Chè xanh, mật ong rừng, thịt chua, bưởi... để phục vụ nhân dân, du khách.
Trong thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng 2024, tại các Trại văn hóa còn diễn ra các hoạt động trải nghiệm, thực hành quy trình sản xuất sản phẩm, nghề truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ...
Đây cũng là dịp để các địa phương thành kính dâng lên Tổ tiên, giới thiệu tới du khách những sản vật độc đáo góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa, lịch sử quê hương Đất Tổ.
Hội trại Văn hóa của các đơn vị đều khai thác những đường nét, kiến trúc mô phỏng nhà truyền thống địa phương hoặc sáng tạo trên cơ sở họa tiết hoa văn trống đồng, văn hóa thời đại Hùng Vương thông qua kiểu dáng, bố cục và trang trí nội thất hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương. Bố cục chung của các trại gồm: Nhà trại, cổng trại, gian trưng bày giới thiệu sản vật đặc trưng, tuyên truyền, quảng bá phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, du lịch và khuôn viên chung.
Hội trại văn hoá đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Một số hình ảnh của các Trại văn hóa tại Lễ hội Đền Hùng 2024.
Điểm nhấn của Trại Văn hoá huyện Phù Ninh năm nay là chiếc cổng với hoa văn trống đồng, tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang – một biểu tượng thiêng liêng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam.
Kết cấu khối nhà trại chính của huyện Cẩm Khê gồm khối nhà chính 3 gian; 2 khối nhà phụ 2 bên (xây dựng theo kiểu nhà truyền thống bằng tre trúc, lợp lá) gắn liền và vuông góc với nhà chính tạo thành hình khối tổng thể mô phỏng kiểu nhà 3 gian 2 chái lồi, vốn là kiểu nhà trước đây rất phổ biến, thân thuộc ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Huyện Hạ Hòa được biết đến là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa gắn với những truyền thuyết thời kỳ dựng nước của dân tộc, là nơi Mẹ Mẫu Âu Cơ – người Mẹ huyền thoại của muôn dân đất Việt đã đưa 49 người con lên khai hoang lập ấp và gắn bó cuộc đời của mình tại đây.
Trại văn hóa của thành phố Việt Trì năm nay từ cổng vào, mái trại đều được uốn cong như những cánh chim Hạc, kết hợp cách bài trí hiện đại tạo nên không gian ấm cúng, mang hơi thở của thành phố công nghiệp đầy sức trẻ nhưng vẫn mang đậm giá trị văn hóa bản địa của thành phố lễ hội.
Hội trại văn hóa năm 2024, huyện Lâm Thao mang đến những kiến trúc độc đáo, đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điểm nhấn của Trại văn hóa huyện Lâm Thao năm nay là đã tái hiện kiến trúc nhà truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, với ngôi nhà 3 gian, hàng rào bao quanh là những họa tiết, hoa văn thời đại Hùng Vương trên nền đá ong, được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà cổ, những bức tường còn sót lại tại xã Sơn Vi.
Huyện Thanh Thủy đã lấy cảm hứng ý tưởng kiến trúc của Đền Lăng Sương để thiết kế quảng bá hình ảnh, điểm đến du lịch của địa phương mình đến với các du khách.
Cổng trại của huyện Tam Nông được thiết kế theo cổng làng truyền thống, được mô phỏng bằng những đường nét hoa văn tinh tế theo kiểu kiến trúc ngọn đuốc thắp sáng thể hiện niềm tin tương lai, phần trên của cổng trại là biểu tượng Mũ Vua Hùng. Huyện Tam Nông là vùng đất cổ, nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc có giá trị nghệ thuật, Cột cờ Thành Hưng Hóa là biểu tượng cho ý chí quật cường chống thực dân Pháp của người dân Tam Nông nói riêng và người dân Đất Tổ - Vua Hùng nói chung.
Trại văn hóa thị xã Phú Thọ đã thiết kế mô phỏng theo hình tượng trống đồng và các họa tiết hoa văn trên trống đồng là một trong những nghệ thuật tiêu biểu của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước từ thủa sơ khai.
Đến với huyện Yên Lập, trại văn hóa vẫn là ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào vùng cao tuy nhiên điểm mới năm nay là cải biên hệ thống vách bằng các hình tượng trống đồng, thêm vào đó đây cũng là một trong số ít các đơn vị có thêm máy chiếu nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của huyện và những nét văn hóa truyền thống.
Trại văn hoá huyện Thanh Sơn còn có “Không gian văn hoá Mường” trưng bày các đồ dùng, dụng cụ, sản vật… đặc trưng của bà con dân tộc Mường.
Huyện Tân Sơn đã mang đến kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Mường với cột gỗ, mái lá, vách nứa cùng các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: đó, nơm đánh bắt cá; ống bương đựng nước, cọn nước,…