Bà Sonia Lioret - Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ
"Nhận thức về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp còn hạn chế”
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất cao, lên tới 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Cá biệt có một số ngành tiềm năng này còn cao hơn, như ngành xi măng tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên đến 50%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến tiết kiệm năng lượng nhiều. Theo tôi, lí do đầu tiên là vì giá điện ở Việt Nam khá thấp nên chưa khuyến khích các công ty hoặc cá nhân đầu tư vào các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nhưng lí do chính khác đó là nhận thức về tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, các công ty và cá nhân chưa biết rằng họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Cơ quan phát triển Đức GIZ đang hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, vì các ngành công nghiệp đang chiếm gần 50% tổng lượng điện tiêu thụ của Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng làm việc với các ngành công nghiệp chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả nhanh chóng về tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải carbon.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng Việt Nam có điều kiện thuận lợi để triển khai các biện pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Việc trang bị thêm một số thiết bị nhằm giảm năng lượng tiêu hao sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí phải thay mới các thiết bị cũ. Do đó tôi nghĩ Việt Nam có thể làm được rất nhiều để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đó là lý do vì sao chúng tôi đưa mô hình Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng đến Việt Nam. Bởi GIZ là Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, và đã có nhiều mô hình Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng hoạt động rất tốt tại Đức và nhiều quốc gia khác, giúp các công ty tiết kiệm năng lượng, thông qua việc chia sẻ kiến thức, kết nối và tiếp cận được với các kiến thức chuyên môn về hiệu quả năng lượng với chi phí rẻ hơn, cũng như được hỗ trợ kiểm toán năng lượng. Doanh nghiệp được tìm hiểu về các giải pháp tối ưu để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Mạng lưới Hiệu quả năng lượng đầu tiên tại Việt Nam có 08 công ty tham gia rất nhiệt tình. Với các biện pháp đơn giản dễ triển khai với mức đầu tư thấp, 08 công ty này có thể tiết kiệm được 260.000 đô la Mỹ chi phí tiền điện năng trong một năm. Tham gia Mạng lưới đã giúp họ tiết kiệm được chi phí.
Chúng tôi đánh giá mô hình này có thể thành công tại Việt Nam và dự định sẽ nhân rộng mô hình để ngày càng có nhiều Mạng lưới Hiệu quả năng lượng trong cả nước.
Ông Frank Schillig - Chuyên gia tư vấn về năng lượng của GIZ
“Tham gia mạng lưới, các công ty có thể tiết kiệm gấp 02 lần so với họ tự làm một mình”
Mạng lưới Hiệu quả năng lượng đã hoạt động rất thành công tại Đức, với 30 mạng lưới được thành lập năm 2009 với sự hỗ trợ ban đầu từ Chính phủ. Các mạng lưới này sau đó đều phát triển khá tốt, bởi các công ty đều nhận ra rằng sáng kiến này giúp họ tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm ngân sách.
Năm 2014, chính phủ Đức đã công bố kế hoạch thành lập 500 mạng lưới khác trong cả nước trong giai đoạn 2014-2020. Để trở thành thành viên mạng lưới, mỗi công ty thường phải đóng 25.000 USD cho phí thành viên trong 3 năm. Số tiền này so với hóa đơn tiền điện họ phải trả hàng năm thì là phần rất nhỏ.
Ở Việt Nam cũng như ở Đức, cái khó là làm thế nào tiếp cận được các công ty hiểu về vấn đề này, và có thái độ tích cực cũng như sẵn sàng đầu tư. Chúng tôi đã từng giới thiệu Mạng lưới này ở hai khu công nghiệp gần Tp. Hồ Chí Minh nhưng chưa thực sự hiệu quả cho đến khi được một công ty tư vấn địa phương kết nối.
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm bởi các doanh nghiệp này đều chịu áp lực phải giảm lượng điện sử dụng, và một cách tự nhiên họ sẽ quan tâm đến kiểm toán năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Giá trị chủ đạo của mạng lưới Hiệu quả năng lượng là kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn các thành viên chia sẻ với nhau. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nếu tham gia mạng lưới, các công ty có thể tiết kiệm gấp 02 lần so với họ tự làm một mình.
Sử dụng hiệu quả năng lượng giúp chúng ta tiết kiệm điện một cách nhanh chóng, và giảm lượng điện cần dùng cho sản xuất. Ví dụ như tiềm năng tiết kiệm năng lượng của 08 công ty trong mạng lưới là 3 triệu kWh, nếu các doanh nghiệp đều cùng tiết kiệm năng lượng thì chúng ta thậm chí có thể đóng cửa một hoặc hai nhà máy điện.
Tuy
nhiên, quá trình thực hiện các biện pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng
là quá trình rất chi tiết và mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực
này.
Ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch
VECEA
Nhiều
doanh nghiệp quan tâm và tham gia dự Giải thưởng Quốc gia về Hiệu quả năng lượng
trong công nghiệp năm 2017”
Ngoài việc xây dựng Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên tại Việt Nam, mới đây GIZ còn có tài trợ cho Giải thưởng Quốc gia về Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 do Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. Đây là giải thưởng nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Khác với các Giải thưởng trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tổ chức trước đây, thường thiên về các giải pháp quản lý và trình diễn, Giải thưởng lần này tập trung vào việc tôn vinh các giải pháp kỹ thuât - công nghệ về tiết kiệm năng lượng đã được đầu tư hiệu quả và có khả năng nhân rộng.
Với thực trạng sử dụng và quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp như hiện nay, mức độ lãng phí năng lượng trong các ngành sản xuất công nghiệp còn khá lớn, số lượng các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đầu tư sau kiểm toán nhằm tạo hiệu quả lớn về mức tiết kiệm năng lượng cũng rất khiêm tốn; cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn thiếu... thì việc tôn vinh các doanh nghiệp có giải pháp tiết kiệm năng lượng được đầu tư thành công là rất cần thiết.
Mô hình thành công tại các doanh nghiệp đoạt giải sẽ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình về việc tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động sử dụng năng lượng tại cơ sở sản xuất công nghiệp.
Theo thông tin chúng tôi nhận được từ các đơn vị tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp lập hồ sơ dự tuyển, hầu hết các đơn vị nhận được thư mời từ Ban tổ chức cuộc thi đều bầy tỏ sự quan tâm và đăng ký tham dự giải; tuy nhiên do thời gian phát động giải thưởng tương đối ngắn, lại vào dịp cuối năm nên doanh nghiệp bị động khi bố trí nhân lực xây dựng và hoàn thiện hồ sơ giải thưởng theo yêu cầu.
Mặc dù gặp một vài khó khăn nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với trách nhiệm của Ban giam khảo cùng với sự cố gắng của các đơn vị tư vấn được giao nhiệm vụ, số lượng hồ sơ dự tuyển lọt vào vòng tuyển chọn sẽ đạt yêu cầu về chất lượng và tiến độ của cuộc thi.
Ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về TKNL (Enerteam)
“Có quan tâm nhưng doanh nghiệp thực sự áp dụng giải pháp TKNL chưa nhiều”
Một số ngành tiêu hao năng lượng nhiều như ngành sản xuất cao su, giấy… chi phí sử dụng năng lượng chiếm khá cao trong chi phí sản xuất, nên một số doanh nghiệp này có ý thức rất cao trong việc tiết kiệm năng lượng. Bởi họ nhận thức được việc giảm mức tiêu hao năng lượng là giảm được chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt là những công ty đơn lẻ, tầm trung, phân tán nên nguồn lực không mạnh. Vì thế có thể nói, tại Việt Nam, sự quan tâm đến tiết kiệm năng lượng là có nhưng thực sự áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì chưa nhiều.
Ngoài ra, theo tinh thần của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các doanh nghiệp trọng điểm phải thực hiện kiểm toán năng lượng3 năm một lần và phải có kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong 1 năm, 5 năm. Chưa kể, doanh nghiệp còn cần phải thực hiện tiết kiệm năng lượng để đảm bảo mức tiêu thụ năng lượng không vượt quá các giá trị đối chuẩn trong cùng ngành, lĩnh vực sản xuất.
Do đó, theo tôi, để tăng khả năng áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản dễ thực hiện không cần vốn đầu tư hoặc đầu tư rất ít như bảo ôn đường ống, hạn chế rò rỉ, sắp xếp nhà xưởng, cài đặt thông số vận hành... thì cần nâng cao nhận thức qua huấn luyện, đào tạo để các nhà máy tự thực hiện. Khuyến khích xây dựng hệ thống ISO 50001 để kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng tốt hơn và bền vững hơn.
+ Đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng cần vốn đầu tư như cải tiến công nghệ hay đầu tư mới, nhà nước có thể có những chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực canh tranh. Hoặc tạo điều kiện kêu gọi các quỹ đầu tư, tín dụng tham gia vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, điển hình như năng lượng mặt trời phát điện.
Bên cạnh việc khuyến khích, cũng cần ra những quy định nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực hơn trong việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Khảo sát đề xuất các đối chuẩn – định mức tiêu thụ năng lượng cho từng ngành, để các doanh nghiệp so sánh và đưa định mức tiêu thụ của mình về mức chuẩn hoặc tốt hơn chuẩn.