Ông có thể giới thiệu kỹ hơn về tính thiết thực của Mạng lưới hiệu quả năng lượng tại Việt Nam?
Ông Markus Bissel: Chúng tôi cho rằng, mỗi công ty đều có những thế mạnhnhất định về sử dụng năng lượng hiệu quả. Nếu hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu biết nhiều hơn và cùng làm cho việc tiêu thụ năng lượng được hiệu quả hơn. Do đó, chúng tôi đã quyết định thành lập Mạng lưới hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Thực ra Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên trên thế giới đã được thành lập vào năm 1987 tại Zurich, Thụy sỹ. Đây đã trở thành mô mình phổ biến trên thế giới, và được chứng minh là một công cụ hiệu quả và quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo mô hình này, mỗi mạng lưới chỉ có 10-15 doanh nghiệp, các công ty tham gia sẽ có nhiều cơ hội thảo luận và chia sẻ ở mức tối đa. Các mạng lưới này sẽ giúp các công ty giảm thiểu chi phí năng lượng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Các mạng lưới cũng sẽ giúp cho việc sử dụng năng lượng và các số liệu liên quan được rõ ràng minh bạch hơn, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong tất cả các ngành.
Giấy và Bao bì Đồng Tiến là một trong số 8 doanh nghiệp thí điểm của mạng lướiVậy các doanh nghiệp khi tham gia Mạng lưới sẽ được hưởng lợi ích như thế nào, thưa ông?
Ông Markus Bissel: Mục đích của mạng lưới này là kết nối các công ty để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua các hoạt động chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Do đó, toàn bộ quy trình sẽ được lên kế hoạch rõ ràng, với sự điều phối của các chuyên gia Đức về hiệu quả năng lượng.
Các công ty cũng sẽ được hưởng lợi từ kiểm toán năng lượng cũng như sự tư vấn của các chuyên gia tư vấn Việt Nam, cũng như kết nối với các bên công nghệ và dịch vụ đến từ Đức. Mà trong đó, việc kiểm toán năng lượng đem lại lợi ích rõ ràng nhất, vì doanh nghiệp sẽ biết được chi tiết việc tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp và đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả.
Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về khả năng triển khai mạng lưới hiệu quả năng lượng tại Việt Nam?
Ông Markus Bissel: Qua thu thập 250 bản kiểm toán năng lượng của các doanh nghiệp, chúng tôi thấy được các doanh nghiệp đều có tiềm năng tiết kiệm năng lượng tối thiểu từ 5-15%. Tuy nhiên, chúng tôi đã đến thăm vài nơi nhưng không có nhiều đơn vị quan tâm đến vấn đề này, chỉ một số nhỏ các doanh nghiệp tỏ ra hứng thú. Đó là điều khá đáng tiếc.
Và trong quá trình thuyết phục các doanh nghiệp, chúng tôi đã hỏi các giám đốc điều hành (CEO) về chi phí sử dụng năng lượng của họ. Rất nhiều người đã không biết. Mà không biết thì làm sao họ biết được về tiềm năng mà họ có thể tiết kiệm được nếu áp dụng các giải pháp quản lý năng lượng.
Ở Đức đã thực hiện vấn đề này rất hiệu quả, chính phủ có nhiều chính sách như hỗ trợ vốn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hay giảm thuế khi doanh nghiệp giảm sử dụng năng lượng. Đó là cả một quá trình. Điều cơ bản là doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán năng lượng, tìm ra nơi sử dụng năng lượng chính và ban đầu chỉ cần tập trung vào các mục tiêu thấp, không tốn chi phí, phù hợp, dễ dàng đạt được. Sau khi có kết quả hãy đặt mục tiêu cao hơn và sắp xếp tài chính để đầu tư nhằm đạt được mục tiêu đó.
Đội ngũ tư vấn kiểm toán năng lượng của Enerteam đóng vai trò quan trọng trong Mạng lướiTheo ông, đâu là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai quản lý hiệu quả năng lượng?
Ông Markus Bissel: Nếu coi nó là thách thức thì trước tiên chính là người quản lý năng lượng không có kiến thức cụ thể về tiết kiệm năng lượng, không chắc chắn cần phải triển khai việc đo lường nào trước và họ cần được hỗ trợ. Nhưng khi đã hiểu thì họ cần thuyết phục được CEO vì CEO là người duy nhất có thể đưa ra quyết định.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu không phải vấn đề về tiền, khi một CEO được thuyết phục hãy đầu tư đi, họ sẽ đầu tư. Thu lại khoản đầu tư chỉ trong 2-3 năm, tại sao lại không, bạn chỉ cần một kế hoạch thật chi tiết, cả về kĩ thuật và dự toán kinh phí, bạn sẽ thành công.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy qua quá trình làm việc ở Việt Nam là doanh nghiệp không thực sự nhận được sự giúp đỡ, nhà cung cấp dịch vụ chỉ tập trung vào kiểm toán năng lượng chứ không chú trọng đến xây dựng kế hoạch và triển khai đo lường.
Tôi nghĩ sẽ có những sự thay đổi nhưng không thể hy vọng là nó sẽ nhanh mà xu hướng áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả năng lượng sẽ bắt đầu nhưng ở tốc độ chậm. Tốt nhất, bạn nên nghĩ về tiết kiệm năng lượng trước, thay vì xây dựng một kế hoạch năng lượng mới.
Vậy có giải pháp nào để doanh nghiệp có thể vượt qua những thách thức này?
Ông Markus Bissel: Một trong những giải pháp nhằm phát triển hệ thống đo lường các chỉ số hiệu quả năng lượng ở Việt Nam là bạn cần tạo ra một con số cụ thể cho thấy bạn cần bao nhiêu năng lượng để sản xuất, sau đó so sánh nó với đối thủ, bạn sẽ có thấy ngay mục tiêu phải giảm thiểu như thế nào trong kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng của mình.
Việc chỉ rõ bạn đang tiêu hao năng lượng ở đâu, giải pháp như thế nào, đầu tư ra sao, hiệu quả mang lại và thời gian thu hồi vốn sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra quyết định có tham gia quản lý năng lượng hay không.
Một giải pháp khác là thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, hợp tác cùng một số liên, hiệp hội để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp thành viên. Đồng thời từ uy tín của Hiệp hội để tạo sự tin tưởng trong doanh nghiệp, thúc đẩy họ có động lực tham gia vào Mạng lưới quản lý hiệu quả năng lượng với mục tiêu lớn nhất là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về vấn đề này thì mới đây, chúng tôi đã phối hợp với Hiệp hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 nhằm mục đích thúc đẩy, khuyến khích các giải pháp sử dụng năng lượng có hiệu quả hướng tới nền sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Giải thưởng sẽ kết thúc nhận hồ sơ trong ngày 15/1 tới. Hy vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia Giải thưởng để có thêm nhiều giải pháp hay được công bố và các doanh nghiệp được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực này. Sau nữa là doanh nghiệp nào làm tốt sẽ được tôn vinh.
Trân trọng cảm ơn ông!