Ông Phùng Thế Vang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Mỏ, là trường trực thuộc Bộ: Quy hoạch lại các trường thuộc Bộ Công nghiệp là việc làm cần thiết, cần chấm dứt tình trạng ở cùng 1 tỉnh, cách nhau không xa, trực thuộc cùng 1 Bộ, lại cùng đào tạo các ngành nghề như nhau. Tôi cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nhưng không dễ vì "động chạm" đến rất nhiều vấn đề, trong đó việc giải quyết số lao động dôi dư có lẽ là khó hơn cả. Khi thực hiện quy hoạch, phải chọn cơ sở làm tốt công tác đào tạo, học sinh ra trường được xã hội chấp nhận…, nói chung là trường có uy tín để làm nòng cốt. Trong khi chờ quy hoạch, việc nâng cấp cơ sở đào tạo là cần thiết, nhưng khi xét các dự án đầu tư, Bộ cần tính đến những cơ sở trọng điểm, không đầu tư tràn lan, tránh tình trạng xây dựng xong, khi quy hoạch lại phá bỏ. Cổ phần hoá các trường để giảm bớt chi phí cho nhà nước, mà sự nghiệp giáo dục đào tạo vẫn phát triển, đó cũng là hướng đi, cách làm mà chúng ta cần nghiên cứu.
Ông Nguyễn Anh Hào, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm là trường trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam: Quy hoạch lại ngành giáo dục - đào tạo là việc cần làm, mà phải thực hiện trên diện rộng, cả vùng lãnh thổ, chứ không nên dừng lại ở ngành công nghiệp, Bộ Công nghiệp. Hiện nay, ở Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 20 ngàn học sinh (từ học nghề đến đại học) tốt nghiệp, riêng Trường Hồng Cẩm chiếm khoảng 40%. Chúng tôi đã có từ lâu 01 cơ sở đào tạo khá khang ở Hoàng Bồ, trị giá khoảng hơn 20 tỷ và đang được đầu tư tiếp. Được biết, tỉnh Quảng Ninh đang có ý định lại đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, bằng vốn vay ODA, để xây dựng ở đây 01 trường đào tạo nghề tương tự như vậy. Tôi cho rằng, đây là Dự án không thích hợp, tôi sẽ gặp lãnh đạo tỉnh để làm rõ vấn đề này. Trong lúc chờ quy hoạch sắp xếp lại, tôi đề nghị, Bộ cần có quy định cụ thể thống nhất về chế độ cho cả giáo viên và học sinh, chung cho tất cả các trường, dù trường đó trực thuộc Bộ, tổng công ty hay doanh nghiệp. Hiện nay, các giáo viên làm việc ở các trường trực thuộc tổng công ty, doanh nghiệp đang chịu nhiều thiệt thòi so với các trường trực thuộc Bộ. Để giảm nhẹ chi phí của Nhà nước cho giáo dục, trước mắt, Nhà nước cần có quy định thu phí đào tạo của doanh nghiệp, khi tuyển lao động mới.
Ông Phạm Quang Kiu, Bí thư Đảng uỷ, Trường Đào tạo nghề mỏ Hữu Nghị, là trường trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam. Tôi cũng cho rằng việc quy hoạch, sắp xếp lại các trường thuộc Bộ Công nghiệp là cần thiết. Trong khi chưa thực hiện quy hoạch, tôi đề nghị Bộ, không nên phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho trường, cho những nghề mà không phải là truyền thống, chuyên sâu. Vì những trường này không có cán bộ giảng dạy chuyên ngành, không có cơ sở thực hành, thí nghiệm... họ chỉ đứng ra tổ chức lớp và thuê thầy, đặc biệt là những ngành có đặc thù riêng như nghề khai thác mỏ hầm lò. Trường Đào tạo nghề mỏ Hữu nghị, được xây dựng từ lâu với nhiệm vụ chính là đào tạo thợ mỏ hầm lò, chúng tôi đã được đầu tư nhiều cả về con người và thiết bị để thực hiện nhiệm vụ này. Do ngành Than ngày càng phát triển, cần nhiều thợ khai thác hầm lò, nên nhiều cơ sở đào tạo, vốn mạnh về nghề khác cũng đứng ra tuyển sinh, thuê cán bộ giảng dạy để đào tạo thợ lò. Tôi cho rằng, một ngành với một sai sót nhỏ có khi cướp đi mạng sống của cả vài trăm người, không nên đào tạo kiểu này.
Ông Vũ Văn Khẩn: Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học Công nghiệp 3: Quy họach lại các trường là một việc làm cần thiết.
Quy hoạch lại mạng lưới các trường trong ngành Công nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết. Hiện nay, toàn Ngành có đến 42 trường, nếu cứ để thế này thì không thể phát triển được. Do đó, cần phải gấp rút tiến hành quy hoạch lại các trường theo vùng và lãnh thổ, chứ không theo ngành nghề đào tạo được. Cần để cho các trường sau quy hoạch được phép đào tạo đa ngành. Tuy nhiên, để công tác quy hoạch mang lại hiểu quả cao, cần phải mạnh tay hơn nữa. Vì rằng, quy hoạch sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, nảy sinh nhiều vấn đề phực tạp. Tôi xin đơn cử một trường hợp ở trường cũ: Trường Trung học Địa Chất và Trường Công nhân Địa chất ở Sóc Sơn và Vĩnh Phúc chỉ cách nhau 10km, lúc đó tôi đang làm Hiệu trưởng Trường Trung học Địa chất. Do dự báo được trước vấn đề, tôi đã chủ động bàn với anh Minh- Hiệu trưởng Trưởng Trường Công nhân Địa chất và lãnh đạo thống nhất đề nghị Bộ Công nghiệp cho sáp nhập 2 trường lại để trở thành Trường THCN 3 như ngày nay, với 2 cơ sở đào tạo, do anh Minh làm Hiệu trưởng và tôi làm Phó hiệu trưởng. Chính nhờ có sự sáp nhập này, mà Trường THCN 3 mới phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với việc này đòi hỏi sự hy sinh rất lớn, nhất là khâu giảm biên chế cán bộ, giáo viên…