Cổ phiếu VFS của VinFast tăng ngày thứ 6 liên tiếp
Cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch đầy cảm xúc trong ngày 28/8 (theo giờ Mỹ). Trước giờ mở cửa giao dịch chính thức, cổ phiếu VFS đã có lúc lên đến 92 USD/cổ phiếu, tăng gần 34% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước.
Bước vào giờ giao dịch chính thức, giá mở cửa của cổ phiếu hãng xe điện Việt Nam được ấn định ở mức 84 USD/cổ phiếu. Chỉ trong vòng 45 phút sau đó, lực cầu vào mạnh đã đẩy giá cổ phiếu VFS một lần nữa chinh phục lại ngưỡng 92 USD/cổ phiếu với thanh khoản lúc này đã vượt 7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá cao kỷ lục này, phe bán đã xuất hiện. Áp lực chốt lời sau mạch tăng ấn tượng đã đẩy giá cổ phiếu VFS “giảm nhiệt”, xuống còn quanh mức 82 – 83 USD/cổ phiếu trong suốt khoảng thời gian giao dịch còn lại.
Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu VFS của VinFast đạt 82,35 USD/cổ phiếu, tăng 19,75% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước. Qua đó, xác lập mạch tăng giá kéo dài 6 ngày liên tiếp. Như vậy, so với mức giá chào sàn Nasdaq vào ngày 14/8 ở mức 22 USD/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu VFS hiện đã tăng gấp 3,7 lần chỉ sau 11 ngày giao dịch.
Xem thông tin mới nhất về cổ phiếu VFS của VinFast trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu VFS trong ngày 28/8 tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 12,6 triệu đơn vị. Như vậy, khối lượng giao dịch trong các phiên gần đây của cổ phiếu VinFast liên tục gấp từ 3 – 4 lần so với khối lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free loat). Điều này cho thấy giới đầu tư đang “quay vòng” cổ phiếu VFS rất nhanh. Điều này có thể kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu cơ và càng thúc đẩy cổ phiếu VFS tăng cao hơn trong ngắn hạn khi ngày càng nhiều nhà đầu cơ tham gia hơn.
Với mức thị giá này, tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast đạt 191,23 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị trí Top 3 nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới.
Trong lĩnh vực xe điện, hiện giá trị vốn hoá của VinFast chỉ còn xếp sau hãng xe điện Tesla (Mỹ), và đã cao hơn gấp 2 lần so với giá trị vốn hoá của hãng BYD (Trung Quốc). Thậm chí, tại đỉnh giá 92 USD/cổ phiếu, tổng giá trị vốn hoá của VinFast đã lên đến hơn 210 tỷ USD – cao hơn cả giá trị vốn hoá của hãng xe điện Toyota danh tiếng của Nhật Bản, hay tập đoàn tài chính lâu đời Goldman Sachs và hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.
Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ dường như vẫn đang đánh cược giá cổ phiếu VinFast còn tiếp xu hướng tăng. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, đây là hiện tượng thường thấy khi một số hãng xe điện và công nghệ niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn đầu như trường hợp hãng xe Lucid hay Rivian trước đây.
Đà tăng vọt của 1 cổ phiếu “tân binh” như VinFast khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ngỡ ngàng và cảm thấy có phần kỳ lạ. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg nhận định, ở thời điểm hiện tại, đặt cược chống lại cổ phiếu VinFast sẽ là 1 quyết định rất mạo hiểm và đầy rủi ro.
Do tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast rất thấp (chưa đến 1%), các nhà bán khống (short sellers) sẽ phải chịu mức chi phí rất cao nếu muốn đi vay cổ phiếu này. Ngoài ra, tỷ lệ free float thấp đồng nghĩa chỉ 1 động thái nhỏ của 1 nhà đầu tư riêng lẻ cũng sẽ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.
“Bất kỳ ai mua vào 100.000 cổ phiếu VFS cũng có thể khiến giá dịch chuyển”, Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập của hãng nghiên cứu dữ liệu DataTrek Research nhận định.
Theo số liệu của hãng phân tích S3 Partners, các nhà bán khống đủ dũng cảm để đặt cược cổ phiếu VinFast sẽ lao dốc đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq.
Tập đoàn Vingroup huy động 10.000 tỷ trái phiếu lãi suất cao cho VinFast
Trong một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC – sàn HoSE) sắp phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ôtô tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng.
Hình thức phát hành ra công chúng có các điều kiện chặt chẽ hơn so với phát hành riêng lẻ. Số tiền 10.000 tỷ đồng được Tập đoàn Vingroup cho biết gồm 6.000 tỷ là kỳ hạn 36 tháng và 4.000 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100.000 đồng.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân khi tham gia phải đăng ký mua tối thiểu 500 trái phiếu, tương đương 50 triệu đồng. Nhà đầu tư tổ chức phải mua tối thiểu 5.000 trái phiếu, tương ứng 500 triệu đồng theo mệnh giá.
Lãi suất với lô trái phiếu kỳ hạn 36 tháng (6.000 tỷ đồng) là 15% mỗi năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, sau đó lãi suất thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 4,5%. Với lô trái phiếu kỳ hạn 24 tháng (4.000 tỷ đồng), lãi suất cho hai kỳ đầu tiên là 14,5% và sau đó thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 4%.
Theo Reuters, Tập đoàn VinGroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng hơn 99% cổ phần VinFast Auto. Phần còn lại đa phần do quỹ đầu tư Black Spade Capital – đối tác của VinFast trong thương vụ IPO tại Mỹ nắm giữ.
VinFast Auto là đơn vị đang sở hữu loạt công ty con trong hệ sinh thái của hãng xe điện VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup. Trong đó, VinFast Auto sở hữu 99,9% vốn Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam – doanh nghiệp cốt lõi sản xuất và kinh doanh xe VinFast).
Đến cuối quý 2/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup đạt gần 608.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối quý 1/2023. Ba tháng gần nhất, tập đoàn đã huy động và giải ngân hơn 22.400 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay hợp vốn tổng cộng 430 triệu USD từ thị trường vốn quốc tế và thanh toán 20.000 tỷ đồng các khoản nợ đến hạn trong kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm của Tập đoàn Vingroup đạt 7.936 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ 2022 và là mức cao nhất từ khi tập đoàn này niêm yết trên sàn chứng khoán.