SIC thoái toàn bộ vốn, cổ phiếu VNM lên đỉnh 8 tháng
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) – thành viên thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đăng ký bán toàn bộ 965.000 cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 8/9 đến 7/10/2023. Nếu giao dịch này diễn ra thành công thì SIC sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu VNM nào nữa.
Đây không phải là lần đầu tiên SIC muốn thoái hết vốn tại Vinamilk. Trước đó, tổ chức này đã nhiều lần đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VNM đang nắm giữ nhưng vẫn chưa bán hết với lý do biến động thị trường. Vừa qua, từ ngày 3 – 31/8, SIC đăng ký bán 1.050.000 cổ phiếu VNM nhưng chỉ giao dịch thành công 85.000 đơn vị; qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của SIC tại Vinamilk xuống còn 0,046%.
Ngoài sở hữu gián tiếp qua SIC, SCIC còn đang là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 36% vốn tại Vinamilk.
Đóng cửa thị trường ngày hôm nay 5/9, cổ phiếu VNM đạt 80.100 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua. So với mức đáy xác lập hồi cuối tháng 6/2023, cổ phiếu VNM hiện đã phục hồi “ấn tượng” với mức tăng hơn 26%. Đáng chú ý, cổ phiếu ngành sữa này đang xác lập nhịp tăng mới với mức tăng 11% chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, cùng với đó là thanh khoản tăng.
Tạm ước tính theo mức thị giá hiện tại, SIC có thể thu về trên 77 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Vinamilk.
Vinamilk tự tin giành lại thị phần, biên lợi nhuận phục hồi mạnh
Hoạt động kinh doanh của Vinamilk trong những tháng gần đây đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong quý 2/2023, doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam này ghi nhận lãi ròng tăng tới 6% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm của lợi nhuận kể từ quý 1/2021.
Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý 2/2023 cũng đã tăng trở lại mức 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý 1/2023, chủ yếu nhờ vào nguyên vật liệu đầu vào giảm giá. Đây cũng là mức tăng biên lợi nhuận gộp mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Tại buổi Hội thảo trực tuyến với nhà đầu tư tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk cho biết Vinamilk hiện dự báo giá bột sữa thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này sẽ tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp và biên lãi ròng của công ty trong thời gian tới.
Vinamilk sẽ đưa bao bì mới cho dòng sản phẩm sữa tươi đến tất cả các đơn vị phân phối bao gồm kênh hiện đại và kênh truyền thống. Dự kiến trong quý 4/2023, bao bì của các dòng sản phẩm sữa chua sẽ được áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới, và đến năm 2024, bao bì của tất cả các ngành hàng còn lại sẽ được thay đổi. Vinamilk kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay, ông Đồng Quang Trung chia sẻ.
Ban lãnh đạo Vinamilk hiện tự tin khẳng định sẽ giành lại được thị phần trong các quý sắp tới nhờ vào Chiến dịch tái định vị thương hiệu và thay đổi bao bì sản phẩm mới. Theo dữ liệu của Phú Hưng Securities, hãng sữa này trên thực tế đã giành lại được thị phần trong tháng 6/2023. Hiện tại thị phần của ngành hàng Sữa nước thuộc Vinamilk đang đạt hơn 60%, Sữa chua khoảng 80%, Sữa đặc lớn hơn 80% và Sữa bột ở mức quanh 20%.
Phú Hưng Securities cũng nhận định biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý tiếp theo và sẽ quay về mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.