Đáy lợi nhuận đã qua, dự kiến biên lợi nhuận nửa cuối năm ở mức tích cực
Vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu HCM - sàn HoSE) đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE).
Tại buổi hội thảo, ông Đồng Quang Trung cho biết, trong quý 3/2023, Vinamilk sẽ đưa bao bì mới cho dòng sản phẩm sữa tươi đến tất cả các đơn vị phân phối bao gồm kênh hiện đại và kênh truyền thống. Dự kiến trong quý 4/2023, bao bì của các dòng sản phẩm sữa chua sẽ được áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới, và đến năm 2024, bao bì của tất cả các ngành hàng còn lại sẽ được thay đổi.
Vinamilk kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể cao hơn cùng kỳ nhờ diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu, ông Đồng Quang Trung chia sẻ.
"Nửa cuối năm nay nếu tình hình vĩ mô tốt lên cộng hưởng với yếu tố giá đầu vào giảm sẽ là cơ hội tốt cho Vinamilk. Năm 2022 có thể nói là đáy lợi nhuận của công ty và giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua", Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk nhận định.
Thị trường nội địa sẽ tăng trưởng tốt hơn thị trường xuất khẩu
Chia sẻ thêm về việc Vinamilk định hướng đẩy mạnh kênh xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đồng Quang Trung cho biết hiện Vinamilk xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Đông – đây là khu vực đang phát triển nên nhu cầu sử dụng sữa sẽ chịu ảnh hưởng từ các diễn biến kinh tế. Trong năm 2022 và năm nay, lạm phát tại khu vực này diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sức mua cũng như nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa.
Đối với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường mà Vinamilk luôn quan tâm nhưng ba năm qua, việc xúc tiến vào thị trường này gặp nhiều khó khăn do Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Sau khi Trung Quốc tái mở cửa trở lại, Vinamilk đã tham gia hội chợ và cuối tháng 6/2023, đã giới thiệu sản phẩm sữa đặc - một sản phẩm có thế mạnh, cao cấp để phục vụ phân khúc ngách, ông Đồng Quang Trung thông tin.
Trong khi đó, tại thị trường Campuchia, hoạt động kinh doanh của Vinamilk vẫn đang diễn ra thuận lợi. Kỳ vọng tăng trưởng của thị trường này sẽ đạt mức hai chữ số trong nửa cuối năm và các năm sau. Vinamilk hiện là công ty sản xuất sữa lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, các doanh nghiệp sữa khác tại Campuchia đang phải phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu thì Vinamilk đã có nhà máy sản xuất sữa với kênh phân phối lớn.
Đối với thị trường nội địa, Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk nhận định trong 12 tháng tới, thị trường trong nước sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với kênh xuất khẩu do tình hình vĩ mô ổn định hơn các thị trường mà Vinamilk đang xuất khẩu.
Chia sẻ thêm về rủi ro tỷ giá khi kênh xuất khẩu đang chiếm khoảng 9% tổng doanh thu của Vinamilk, ông Đồng Quang Trung cho biết khi xuất khẩu các hợp đồng được ký kết chi trả phần lớn bằng USD và đồng thời khi nhập khẩu cũng bằng USD nên Vinamilk sẽ dùng doanh thu xuất khẩu để chi trả cho việc nhập khẩu nguyên liệu, giúp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá.
Dự báo giá bột sữa tiếp tục giảm sâu, cổ phiếu VNM lên đỉnh 9 tháng
Đánh giá về việc giá bột sữa thế giới có xu hướng giảm xuống trong những tháng gần đây, ông Đồng Quang Trung cho biết nhu cầu nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc đã giảm rất mạnh trong vòng 1 năm qua do nước này đã tăng tỷ lệ tự cung sữa nội địa, khiến tổng cầu trên thị trường quốc tế giảm trong khi đó nguồn cung lại ổn định.
Trong thời gian tới, Vinamilk chưa thấy có sự kiện nào có thể dẫn đến sự đảo chiều nào về giá bột sữa thế giới. Thậm chí, với việc Trung Quốc liên tục tăng đàn bò sữa thì xu hướng giá bột sữa có thể tiếp tục giảm thời gian tới. Với việc đánh giá giá sữa nguyên liệu có thể điều chỉnh sâu hơn, Vinamilk sẽ không quá vội vàng chốt giá và chời đợi thời điểm tốt để ký hợp đồng, Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của Vinamilk thông tin.
Vinamilk hiện nhập khẩu bột sữa chủ yếu từ New Zealand. Về vấn đề hàng tồn kho, đại diện Vinamilk cho biết doanh nghiệp này đang duy trì chính sách hàng tồn kho là 3 tháng, để đảm bảo luôn có đủ nguyên liệu sản xuất trong các tình huống.
Đồng thời, chính sách chốt giá cho nhiều loại nguyên vật liệu của Vinamilk cũng có sự khác nhau. Trong nước, Vinamilk sẽ chốt được thời gian lâu hơn do doanh nghiệp có hệ thống trang trại và các hợp đồng mua độc quyền với các nông hộ. Chính sách chốt giá nguyên vật liệu ở nước ngoài của Vinamilk sẽ linh động hơn. Nếu giá có xu hướng tăng, Vinamilk có thể chốt với thời gian dài hơn và ngược lại, theo ông Đồng Quang Trung.
Với tình hình hiện tại, đại diện Vinamilk đánh giá các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn đang điều chỉnh mạnh hơn so với nguyên vật liệu có tỷ trọng nhỏ. Điều này sẽ tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp và biên lãi ròng của công ty trong thời gian tới.
Hiện Vinamilk đang tự chủ được về nguồn sữa tươi trong nước. Trong tương lai, khi trang trại tại Lào đi vào hoạt động và có kế hoạch tăng đàn tại đây thì tỷ lệ tự chủ sữa tươi có thể lên tới 60%. Khi tỷ lệ tự cung được nâng lên thì biên lợi nhuận của Vinamilk sẽ tăng lên theo và ít bị tác động từ thị trường thế giới và trong nước, đại diện Vinamilk chia sẻ.
Trong quý 2/2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng ổn định (tăng 2% so với quý 2/2022) nhưng lãi ròng đã có tín hiệu tích cực đầu tiên (tăng 6% so với quý 2/2022), chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm của lợi nhuận kể từ quý 1/2021. Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý 2/2023 cũng đã tăng trở lại mức 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý 1/2023, chủ yếu nhờ vào nguyên vật liệu đầu vào giảm giá.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 31/8, cổ phiếu VNM đạt 77.800 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy hồi tháng 6/2023, cổ phiếu VNM đã phục hồi tới gần 23%. Đáng chú ý, cổ phiếu VNM đang có xu hướng tăng trong 3 phiên giao dịch gần đây – quay lại vùng giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.