Quan hệ Việt-Nga sau một thời gian ngừng trệ đã dần dần được khôi phục và củng cố. Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao sang thăm viếng lẫn nhau. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm Nga. Thủ tướng V.Trécnômưrơđin, Thủ tướng M.Caxianốp và Tổng thống V.Putin đã sang thăm Việt Nam. Hai bên còn trao đổi nhiều đoàn cấp bộ, ngành và địa phương.
Từ năm 1994 đến nay, LB Nga và Việt Nam đã ký hơn 20 hiệp ước và hiệp định, đặt cơ sở tốt đẹp cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị trong giai đoạn mới.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước về từng lĩnh vực có nhiều tiến bộ rõ rệt. Về thương mại, sự hợp tác giữa hai bên được khởi đầu bằng Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại Việt-Xô ký ngày 18-6-1955. Từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký hơn 10 hiệp định, công ước, nghị định thư về hợp tác kinh tế và buôn bán giữa hai nước. Năm 1955, kim ngạch buôn bán hai chiều chỉ đạt 5 triệu Rúp, đến năm 1960 đã tăng 13 lần. Thời kỳ 1976-1980, khối lượng trao đổi hàng hoá giữa hai nước bằng 20 năm trước cộng lại.
Vào cuối những năm 1980, Liên Xô thường chiếm khoảng 40% xuất khẩu và 60% nhập khẩu của Việt Nam. Tính chung từ năm 1976, cứ 5 năm, kim ngạch xuất khẩu của Liên Xô sang Việt Nam lại tăng gấp đôi.
Qua những năm tháng thăng trầm của thời kỳ hậu Xôviết, quan hệ thương mại Nga-Việt đã dần dần được khôi phục và phát triển, những cơ cở mới của quan hệ thương mại giữa hai nước đang được tạo lập.
Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 1993 mới chỉ đạt mức 300 triệu USD, thì đến năm 2002 đã là 620 triệu USD và trong 10 tháng đầu năm 2003 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2002.
Việt Nam cung cấp cho LB Nga chủ yếu là gạo, chè, thịt lợn đông lạnh, hạt tiêu, sản phẩm may mặc... Việt Nam nhập của LB Nga sản phẩm các ngành công nghiệp luyện kim đen và màu, hoá chất, phân khoáng, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.
Tuy nhiên, ở cấp buôn bán trung ngạch và tiểu ngạch vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết, như thiếu kinh phí tín dụng, không có vốn lưu thông và bảo hiểm cho các hợp đồng. Đôi khi ký hợp đồng, nhưng các nhà kinh doanh lại không hiểu hết các điều kiện ở địa phương và pháp luật của hai nước, do đó không thể tránh khỏi những rủi ro.
Hiện nay, LB Nga đứng hàng thứ 9 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 1,4 tỷ USD, trong đó số vốn đã thực hiện đạt hơn 330 triệu USD. LB Nga có mặt trong một số ngành công nghiệp của Việt Nam, chủ yếu là ngành khai thác và chế biến dầu mỏ. Lĩnh vực hợp tác có hiệu quả hiện giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hợp tác kinh tế Việt-Nga là dầu khí. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro thành lập năm 1981, đến nay đã thực hiện được hơn 66.360 km tuyến khảo sát địa chất, xây dựng 400 công trình biển, lắp đặt 250 km đường ống nội bộ mỏ, khoan 135.000 m thăm dò với 37 giếng, khoan 714.000 m khai thác với 171 giếng. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong giai đoạn 1991-1997, Xí nghiệp đã nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam 3,4 tỷ USD từ doanh thu bán dầu và hàng năm đem lại cho ngân sách Nhà nước Nga hơn 200 triệu USD. Đến ngày 21-11-2001, Vietsovpetro đã khai thác được 100 triệu tấn dầu tại các mỏ Bạch Hổ và Rồng.
Ngoài lĩnh vực dầu khí, LB Nga tham gia thiết kế, cung cấp, hỗ trợ cho nhiều công trình năng lượng ở Việt Nam và các công trình khác, thành lập các xí nghiệp liên doanh trồng, chế biến, đóng gói, tiêu thụ chè, cũng như cung cấp sang LB Nga khoảng 5.000 tấn chè mỗi năm. Trên lãnh thổ Việt Nam đã thành lập xí nghiệp liên doanh để sản xuất, chế biến và cung cấp sang LB Nga các mặt hàng nông sản nhiệt đới như cà phê, rau quả… Tính đến nay, tại Việt Nam có hơn 30 xí nghiệp liên doanh Nga-Việt với tổng khối lượng đầu tư hơn 120 triệu USD (không kể liên doanh Vietsovpetro) hoạt động trong các ngành sản xuất cao su, khai thác và chế biến hải sản, vận chuyển hàng hoá và các loại hình hoạt động khác. Trong khi đó, trên lãnh thổ Nga cũng có hàng chục xí nghiệp với vốn đầu tư của Việt Nam, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Hai nước đã có 24 đề tài khoa học kỹ thuật đã được xác định, ký kết hợp đồng và bắt đầu thực hiện, thuộc các lĩnh vực sản xuất chế phẩm vi sinh, kích thích sự chảy mủ cao su, tạo vật liệu mới, trên cơ sở sợi hydrocacbon, các loại giấy chuyên dụng.v.v...
LB Nga vẫn tiếp tục nhận sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam vào các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học khác của Nga. Từ năm 2000 đến nay, Nga đã cấp 120 suất học bổng quốc gia dành cho sinh viên và thực tập sinh Việt Nam. Trong mấy năm qua, hai nước đã tổ chức thành công Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội, Những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam, Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva, Triển lãm Hà Nội xưa và nay tại Mátxcơva”. Hai bên cũng đã ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Trên nền tảng hợp tác sẵn có, tin tưởng rằng, quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Nga-Việt sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.