“Người đồng hành” của doanh nghiệp Việt
Định hướng “Thương hiệu toàn cầu, am hiểu địa phương” được Coca-Cola Việt Nam mang đến cho chuỗi cung ứng chính là chiến lược “nội địa hóa”. Hiện nay, có đến 91% nhà cung cấp của Coca- Cola Việt Nam được đảm nhiệm bởi các doanh nghiệp trong nước. Để xây dựng một mạng lưới chuỗi cung ứng vững mạnh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau của các SMEs, gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Coca-Cola, công ty đã tạo ra rất nhiều chương trình thiết thực.
Năm 2017, Coca-Cola Việt Nam đã đầu tư triển khai dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển bền vững” với 3 nội dung chính là đổi mới sáng tạo; quản lý chuỗi cung ứng và thực hành trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia chương trình đã được đánh giá đạt chuẩn, gia nhập chuỗi cung ứng của Coca-Cola Việt Nam. Quá trình tập huấn đã cung cấp cơ hội tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tư vấn và kết nối kinh doanh để doanh nghiệp có thể tự phát triển sau khi dự án kết thúc.
Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn rất chú trọng đến vai trò của phụ nữ trong khối SMEs, tạo cơ hội để các nữ doanh nhân được tham gia chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hành xã hội. Mới đây, tại diễn đàn “Định vị Doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Coca-Cola Việt Nam cùng với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (USABC) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng. “Khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD. Hội nhập toàn cầu và khu vực sâu hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết.
Cùng với những giá trị tạo ra cho SMEs, Coca-Cola Việt Nam cũng tác động đến nền kinh tế một cách đáng kể. Theo những chỉ số báo cáo gần đây của PwC (giai đoạn 2016 – 2018) cho thấy, mỗi năm Coca- Cola Việt Nam đóng khoảng 3.500 tỷ đồng vào GDP, tạo ra hơn 80.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người Việt, tổng chi tiêu mua sắm hàng hóa trong nước của Coca- Cola lên đến hơn 3.332 tỷ đồng, tăng 38% trong giai đoạn 2015 - 2017.
Lan tỏa giá trị tốt đẹp tới cộng đồng
Lãnh đạo Coca-Cola cho biết chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn tập trung vào bốn yếu tố chính gồm nước, phụ nữ, chất lượng sống và quản lý rác thải. Coca - Cola cam kết sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, tạo việc làm cho xã hội, hình thành liên minh chuỗi giá trị hiệu quả và phát triển bền vững tại các quốc gia mà Coca-Cola đang hoạt động. Chính vì thế, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, các doanh nghiệp SMEs còn được tham gia thực hành trách nhiệm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cùng Coca-Cola xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững.
Các EKOCENTER được vận hành bởi những doanh nghiệp xã hội chính là mô hình nhận được sự tư vấn tối đa từ Coca-Cola Việt Nam. EKOCENTER là sáng kiến phát triển bền vững toàn cầu của Coca-Cola dựa trên việc cung cấp 4 ích lợi chính cho cộng đồng địa phương bao gồm nước uống sạch, trao quyền cho phụ nữ, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và giải pháp về rác thải nhằm bảo vệ môi trường, 11 EKOCENTER khắp cả nước đang vận hành và dần dần mang lại những hiệu quả nhất định cho cộng đồng.
Điển hình như EKOCENTER Đồng Tháp là nơi đầu tiên được áp dụng mô hình doanh nghiệp xã hội điều hành bởi nữ giới, tạo ra nhiều giá trị cộng hưởng cho các doanh nghiệp nữ và lao động nữ tại địa phương. Một phần lợi nhuận các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội sẽ được tiếp tục đầu tư vào các chương trình cộng đồng của Trung tâm, góp phần đem đến các giá trị bền vững cho cộng đồng địa phương.
Bà Tạ Thu Thủy, phụ trách điều hành EKOCENTER Đồng Tháp cho biết: “Thông qua mô hình doanh nghiệp xã hội, phụ nữ Đồng Tháp nói riêng và ở các tỉnh, thành khác nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động tại Trung tâm qua đó được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực kinh doanh, thu nhập ổn định”.
Một trường hợp khác là EKOCENTER đặt tại làng cầu ngói Thanh Toàn (Huế) cũng đã giúp nhiều phụ nữ Thanh Toàn tự tin hơn khi làm kinh doanh, du lịch. Trung tâm do Công ty xã hội Huế xanh là một doanh nghiệp SMEs vận hành. Được trang bị máy tính, internet, cà phê, nước uống, trung tâm vừa là nơi đào tạo, phổ cập kiến thức tin học, sử dụng máy tính giúp phụ nữ và trẻ em tiếp cận thông tin mới, thành tạo kỹ năng tin học vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch cung cấp các nhu cầu cần thiết về nước, cà phê, đặc sản Huế…
Đánh giá về những nỗ lực của Coca-Cola Việt Nam trong mục tiêu phát triển bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết khi doanh nghiệp đã chủ động gắn kết mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh và cụ thể hóa bằng hành động thì ông tin rằng việc quản trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh hay năng suất của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ghi nhận những dấu son mới và có nền móng phát triển vững chắc.