Quyết định nêu rõ: giao các đại học, học viện, các trường đại học, các trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên phối hợp với các cơ sở GD-ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo đúng quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành. Tại mỗi cụm thi, Bộ cũng quy định rõ các đơn vị chủ trì chấm môn thi trắc nghiệm.
Riêng ở Bạc Liêu do ghép sở nên Bộ GD-ĐT giao Sở GD-ĐT và Sở Khoa học công nghệ chủ trì cụm thi đã quy định. Đáng lưu ý, trong văn bản Bộ GD-ĐT ban hành, Cụm thi 50 tại tỉnh Đồng Nai lại do Sở GD-ĐT Tây Ninh chủ trì. Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT chủ trì cụm thi phối hợp với các trường có tên trong danh sách, tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thông báo kết quả thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp THPT và báo cáo kết quả thi, kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD-ĐT theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả nước có 63 cụm thi. Để ngăn chặn nâng điểm thi như năm 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ các đơn vị - trường đại học chấm thi trắc nghiệm.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000 thí sinh, tiếp đến là TPHCM gần 71.000 thí sinh. Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội có hơn 468.000 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 52,83% tổng số thí sinh), bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên có gần 302.000 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 34,07% tổng số thí sinh). Có hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp.
Theo đại diện Cục quản lý chất lượng, số liệu đăng ký năm nay cho thấy không có sự biến động nhiều so với mọi năm. Tỷ lệ đăng ký xét tuyển khoảng 74% cho thấy phân luồng ngày càng hiệu quả; tổ hợp khoa học xã hội ổn định cho thấy hình thức thi không còn nặng nề như trước.
Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019 theo kế hoạch như tiến hành kiểm tra chéo cơ sở dữ liệu đăng ký, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi.