Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT- BGDĐT ngày 28/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm tăng tính bảo mật, an toàn, đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan cho tất cả thí sinh.
* Quy trình ra đề thi khoa học
Theo Thông tư sửa đổi, thi Trung học phổ thông quốc gia nhằm mục đích: Dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung thi nằm trong chương trình cấp Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Thí sinh tự do, thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục Trung học phổ thông là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số điểm thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Về quy trình ra đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi, môn thi.
Với đề thi trắc nghiệm, ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi theo quy trình.
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng ra đề thi giao cho một thư ký vòng trong của Hội đồng dùng phần mềm chuyên dụng rút ngẫu nhiên các câu hỏi thi trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi và chuyển cho các Trưởng môn đề thi. Trưởng môn đề thi của từng môn thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu hỏi thi trắc nghiệm.
Tổ ra đề thi làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định trong Quy chế.
Sau khi tinh chỉnh lần cuối, Trưởng môn đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi. Cán bộ Hội đồng ra đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau.
Tổ ra đề thi rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.
Về phản biện đề thi, sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi được tổ chức phản biện độc lập. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định tại Quy chế; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong việc quyết định duyệt đề thi.
* Tăng biện pháp bảo mật đề thi, bài thi
Theo Quy chế sửa đổi, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong.
Nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng Điểm thi và Phó Trưởng Điểm thi là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp, chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ.
Khi mở niêm phong đề thi, bài thi, phải có chứng kiến của Công an và những người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong. Biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trưởng Điểm thi và những người chứng kiến.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra.
Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do Trưởng ban Chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi tự luận do một thư ký Hội đồng thi làm nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi trắc nghiệm do một thư ký của Ban Chấm thi trắc nghiệm giữ.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có Công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra.
* Trường đại học, cao đẳng chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm
Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường Đại học, Cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Bộ thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Quy chế.
Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường Đại học, Cao đẳng đảm nhiệm; có quyền thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với những thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra theo yêu cầu của Tổ Giám sát.
Phó Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường Đại học, Cao đẳng đảm nhiệm. Tổ trưởng Tổ Thư ký do một Phó Trưởng ban kiêm nhiệm, các thành viên là cán bộ, giảng viên của trường Đại học, Cao đẳng.
Tổ trưởng tổ Chấm bài thi trắc nghiệm là Phó Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm thường trực; các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường Đại học, Cao đẳng và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các Sở Giáo dục và Đào tạo không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường Đại học, Cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm có yêu cầu).
Tổ Giám sát gồm ít nhất 3 người. Tổ trưởng tổ Giám sát là lãnh đạo phòng, ban hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra nội bộ của trường Đại học, Cao đẳng; các thành viên Tổ Giám sát là viên chức của trường Đại học, Cao đẳng.
* Quy định cộng điểm khuyến khích
Học sinh Giáo dục Trung học phổ thông, học viên Giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên Giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học Trung học phổ thông được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp.
Mức điểm khuyến khích cụ thể như sau: Loại giỏi đối với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với Bằng trung cấp: cộng 2 điểm.
Loại khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với Bằng trung cấp: cộng 1,5 điểm. Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.
Điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng thay đổi theo tỷ lệ 70% điểm bài thi Trung học phổ thông quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12./.