Công bố Nghị quyết thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Từ ngày 1/1/2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là thời cơ, vận hội mới để xây dựng và phát triển thành phố Huế với tâm thế là thành phố di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam.

Tối 29/12, tại Quảng trường Ngọ Môn lịch sử, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế.

Tại buỗi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Nghị quyết 175 của Quốc hội về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế, giai đoạn 2023 – 2025.

thành phố Huế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Ảnh: CTTĐT Quốc hội)

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.

Như vậy, từ ngày 1/1/2025, cùng với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam. "Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân Thành phố Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Xây dựng thành phố Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Huế đã rất nỗ lực “chuyển mình” và đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đạt kết quả tích cực.

Việc Quốc hội Khóa XV ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó quy định cụ thể một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phí tham quan du lịch và quỹ bảo tồn di sản Huế, làm cơ sở để thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, cân đối, hài hòa, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

"Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc trung ương” cùng lời nhắn gửi “Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước”. Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà còn phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của địa phương; góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

thành phố Huế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: CTTĐT Quốc hội)

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy, chính quyền Thành phố Huế có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, như: Việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn, bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt chức năng quản lý nhà nước, nhất là các nhiệm vụ về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó, tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Huế đặc biệt chú trọng thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch; thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu.

"Lãnh đạo, Nhân dân Huế nhất định phải phấn đấu nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để phấn đấu đến năm 2030, Thành phố là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

thành phố Huế
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi lễ 

Tại buổi lễ, lắng nghe những chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, trên chặng đường phát triển mới, thành phố Huế sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, đến năm 2030, thành phố Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Với vai trò và vị thế mới, toàn hệ thống chính trị, mỗi một cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Huế sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ, cùng chung sức, đồng lòng, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một Thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Việt Hoàng