Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến chiều ngày 16 tháng 7 năm 2014 bão Rammasun sẽ đi vào biển Đông. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ và còn diễn biến phức tạp.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ngày 15 tháng 7 năm 2014 và Công điện số 05/CĐ-TW hồi 18h00 ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương yêu cầu:
1. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để chủ động ứng phó; triển khai các phương án phòng chống lụt bão; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó với bão và hỗ trợ khi có yêu cầu.
2. Các Sở Công Thương:
- Chỉ đạo các chủ đập thủy điện: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước và tình trạng an toàn của hồ chứa để vận hành đúng quy trình, chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý, ứng phó các tình huống do bão gây ra; phối hợp thông tin thường xuyên với chính quyền địa phương khi xả lũ.
- Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là khu vực có khả năng bị chia cắt.
3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Chỉ đạo, kiểm tra các công trình trong vùng ảnh hưởng của bão, đặc biệt là các giàn khoan, công trình trên biển để có phương án ứng phó. Chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để ứng cứu khi có sự cố xảy ra và hỗ trợ khi có yêu cầu.
4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị điện lực, truyền tải phương án bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, có phương án cung cấp điện cho các khu vực trọng điểm khi bị mất điện lưới; chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục, xử lý nhanh chóng sự cố xảy ra.
- Chỉ đạo các nhà máy thủy điện tăng cường kiểm tra, rà soát phương án phòng chống lụt bão, vận hành hồ chứa theo quy trình đơn hồ và liên hồ để bảo đảm an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, hạn chế gây ảnh hưởng và thiệt hại cho vùng hạ du.
5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Chỉ đạo, kiểm tra các công trình phòng, chống lụt, bão, chống sạt lở bờ mỏ, bãi thải, chống tràn, chống bục nước hầm lò để có phương án xử lý kịp thời. Chủ động sơ tán người, thiết bị ra khỏi nơi có nguy cơ ảnh hưởng do bị sạt lở bãi thải.
6. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị kiểm tra và duy trì lượng xăng dầu dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão, kiểm tra các công trình, nhà xưởng, chủ động ứng phó với bão; có biện pháp chống ngập các cửa hàng xăng dầu; chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước.
Trước diễn biến phức tạp của bão, yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo và thực hiện, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Điện thoại: 04.22218311; Fax: 04.39393661; Email: PCLB_BCT@moit.gov.vn.
Xem toàn văn Công điện khẩn tại đây.