Công đoàn Công Thương: Chặng đường 15 năm đồng hành cùng người lao động

Sau 15 năm thành lập, Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện đang là một trong những công đoàn ngành mạnh nhất trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Ngày 01/11/2007, trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam (Công đoàn Công Thương) chính thức được thành lập.

Nhiều hoạt động thiết thực vì người lao động

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Công Thương luôn khẳng định vai trò của mình trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Sau nhiều lần sáp nhập và tách rời công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc, đến nay, Công đoàn Công Thương hiện đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 525 công đoàn cơ sở (trong đó có 398 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở). Toàn ngành hiện có 142.585 đoàn viên/150.093 lao động, tỷ lệ đoàn viên nữ chiếm 30,6%. Công đoàn Công Thương đang cùng các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo 23 công đoàn ngành Công Thương địa phương.

Đồng hành cùng sự phát triển của ngành Công Thương, với đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực, Công đoàn Công Thương luôn bám sát nhiệm vụ và các sự kiện chính trị trọng đại của Ngành và của đất nước; chủ động tập hợp trí tuệ của đoàn viên, CNVCLĐ trong tham gia góp ý, xây dựng các văn bản về chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức công đoàn, đặc biệt là các chính sách về nhà ở, việc làm, tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể; tham gia sắp xếp, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư, đảm bảo việc làm, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động trong quá trình tái cơ cấu và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế, xã hội của Ngành và đất nước. Từ năm 2007 đến nay, nhiều công ty nhà nước tiến hành cổ phần hóa đã tác động nhiều mặt đến CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức Công đoàn Công Thương. Trước tình hình đó, Công đoàn Công Thương đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả, thành tựu. Công đoàn Công Thương cũng đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu 5 chương trình công tác toàn khóa và 4 chương trình do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.

Công đoàn Công Thương: Chặng đường 15 năm đồng hành cùng người lao động
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua cho Công đoàn Công Thương Việt Nam

 

Trong các hoạt động, Công đoàn Công Thương đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với các loại hình cơ sở thuộc các thành phần kinh tế, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, tổ chức các phong trào thi đua với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong Ngành đã chú trọng chăm lo cho lợi ích của đoàn viên công đoàn thông qua đến việc ký các thoả thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên, nhằm giúp đoàn viên và người lao động được hưởng những sản phẩm, dịch vụ ưu đãi với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý mang thương hiệu Việt.

Tích cực xây dựng mối quan hệ hài hòa tại doanh nghiệp

Công đoàn Công Thương đã tích cực tham gia với chuyên môn trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát đối với người sử dụng lao động; những hoạt động đó đã được thể hiện ở các nội dung: Tham gia xây dựng văn bản luật, chuyển đổi sắp xếp lại các doanh nghiệp. Nổi bật là sự tham gia, phối hợp của Ban Thường vụ với Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ đạo, phối hợp tổ chức Đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Góp phần hạn chế tranh chấp lao động tại cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, vinh danh các tấm gương lao động giỏi.

Là một CĐ ngành Trung ương có đoàn viên, CNVCLĐ tham gia lao động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, Công đoàn Công Thương đã tham gia với Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, hoàn thiện quy định, thủ tục hành chính. Công đoàn tham gia các chế độ liên quan đến người lao động trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do; bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại và thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước; tham mưu, đề xuất hiện đại hóa hành chính; tham gia góp ý cơ cấu đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tham gia các chế độ chính sách, đào tạo nguồn nhân lực cho người lao động trong Ngành. Công đoàn Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn về chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách mới đối với người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương tập trung triển khai phổ biến, quán triệt đến các cấp công đoàn Bộ luật Lao động, các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan tới người lao động và tổ chức công đoàn.

Một trong những hoạt động được đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất đối với đoàn viên, người lao động cũng như các doanh nghiệp trong thời gian qua đó là công tác phòng chống Covid-19 và hỗ trợ đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ trong thời gian cao điểm diễn ra đại dịch. Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, từ các văn bản chỉ đạo của Công đoàn Công Thương, các cấp công đoàn trong Ngành đã thực hiện tốt công tác phòng, dịch bệnh Covid - 19, đảm bảo mục tiêu “kép” vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh không bị đứt gẫy. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các gói hỗ trợ của Công đoàn. Kể từ năm 2020 đến nay, tổng số tiền Công đoàn Công Thương chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động từ nguồn ngân sách công đoàn và theo các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam là trên 81,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và Tháng Công nhân, Công đoàn Công Thương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị TNLĐ; triển khai các hoạt động kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập cho đoàn viên, người lao động. 

Công đoàn Công Thương: Chặng đường 15 năm đồng hành cùng người lao động
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy ký thỏa thuận hợp tác về phúc lợi với các đơn vị trong ngành

 

Đáng chú ý, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong ngành không chỉ tạo ý thức đối với người tiêu dùng mà còn tác động đến các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có những liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nhau và sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

‘Đại hội công đoàn các cấp thời gian tới có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới. Để tổ chức tốt công tác tổ chức Đại hội, Công đoàn Công Thương đã ban hành kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội IV Công đoàn Công Thương và Đại hội XIII CĐVN, nhiệm kỳ 2023-2028, thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội để chỉ đạo công đoàn các cấp tiến hành xây dựng kế hoạch Đại hội công đoàn các cấp phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị” – Ông Huy chia sẻ thêm. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương đã triển khai kế hoạch tập huấn đội ngũ cán bộ công đoàn để củng cố kiến thức, bổ sung lý luận, nâng cao kỹ năng, phương pháp và cách thức tổ chức, điều hành. Qua đó, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong quá trình tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp; đảm bảo tiến độ tổ chức Đại hội đúng thời gian, công tác nhân sự đảm bảo đúng quy trình, công tác tuyên truyền có sự quan tâm về cả trước, trong và sau Đại Hội để Đại hội công đoàn các cấp thành công tốt đẹp.

Ghi nhận những thành tích trong 15 năm qua, Công đoàn Công Thương đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen. Nhiều tập thể và đoàn viên công đoàn trong ngành được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trong thời gian tới, Đại hội Công đoàn Công Thương lần thứ IV (nhiệm kỳ 2023 - 2028) sẽ là bước đi đầy ý nghĩa của Công đoàn Công Thương trong việc định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động. Các cấp công đoàn tích cực xây dựng giai cấp công nhân ngành Công Thương lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn Công Thương trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Công Thương đã chủ động sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các cấp công đoàn trong hệ thống và đông đảo đoàn viên, người lao động trong ngành Công Thương, thực hiện thành công 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2018-2023:

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn;

Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn;

Thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên.

Hoàng Hồ