Nhiệm kỳ 2018-2023 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động của ngành Công Thương nói riêng và xã hội nói chung do tác động của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Mặc dù vậy, Công đoàn Công Thương Việt Nam vẫn luôn nỗ lực sát cánh cùng chính quyền, đồng hành cùng người lao động để làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn lớn nhất ngành Công Thương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhân dịp Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, Tạp chí Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN), về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023 và những mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2023-2028.
PV: Thưa Chủ tịch, ông có thể đánh giá đôi nét về hoạt động của (CĐCTVN) nhiệm kỳ 2018-2023?
Chủ tịch Phan Văn Bản: Có thể nói, nhiệm kỳ 2018-2023 là một nhiệm kỳ khá đặc biệt, cực kỳ khó khăn với cả xã hội nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng. Nhưng với chức năng, nhiệm vụ của mình, CĐCTVN đã phát huy được sức mạnh và tinh thần đoàn kết của đoàn viên, người lao động, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để góp phần cùng ngành Công Thương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong nhiệm kỳ này, CĐCTVN đã đạt được những kết quả nổi bật như: Kết nạp mới 20.961 đoàn viên, thành lập được 25 CĐCS, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội III CĐCTVN đề ra; Hơn 93% doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể; Hơn 75% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. CĐCTVN cũng đã lựa chọn, thương lượng, ký kết thỏa thuận đã ký kết 12 thỏa thuận hợp tác phúc lợi đoàn viên, 360 nghìn lượt đoàn viên đã được thụ hưởng với số tiền ước tính gần 84 tỉ đồng. Công tác tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động ngoài việc đẩy mạnh trên các kênh thông tin truyền thống như báo chí, truyền thông còn được đẩy mạnh trên các nền tảng mạng xã hội đã đem lại kết quả lớn, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên, người lao động, cũng như kỹ năng tổ chức hoạt động của các cấp công đoàn.
Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại, duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn ngành các nước và tổ chức quốc tế, tiêu biểu. Hoạt động đối ngoại tại Công đoàn Công Thương Việt Nam được đánh có giá hiệu quả, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Công đoàn Công Thương Việt Nam vẫn thường xuyên duy trì kết nối bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo công tác đối ngoại không bị ảnh hưởng và gián đoạn. Khi dịch bệnh lắng xuống, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 38 đoàn ra, riêng năm 2020 và 2021 có 11 đoàn đoàn ra dưới hình thức trực tuyến (với 92 lượt cán bộ), đón 13 đoàn vào (với 68 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 25 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự hội nghị, hội thảo ngoài nước, hội nghị, hội thảo, tập huấn do TLĐLĐVN và các đối tác tổ chức.
PV: Được biết, trong Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID–19” do Tổng LĐLĐVN phát động, CĐCTVN đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng. Xin ông cho biết, làm thế nào để ngành Công Thương có được thành tích này?
Chủ tịch Phan Văn Bản: Ngay từ khi Tổng LĐLĐVN phát động Chương trình, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong ngành triển khai thực hiện rất quyết liệt, với mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 16 nghìn sáng kiến. Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chia sẻ các video clip hướng dẫn cách thức đăng nhập, đăng ký sáng kiến của Tổng LĐLĐVN đến các cấp công đoàn trực thuộc để đoàn viên, người lao động tiếp cận Chương trình một cách nhanh nhất. Đồng thời, lan tỏa thông tin, tăng hiệu ứng của các sản phẩm truyền thông về Chương trình 1 triệu sáng kiến trên hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook… Nhờ đó, số lượng sáng kiến cập nhật lên Cổng thông tin trực tuyến càng ngày càng tăng.
Đặc biệt, ngày 3/10/2022, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã vinh dự có đoàn viên công đoàn Hoàng Quang Sáng - tổ viên Xưởng Hàn, Công ty Toyota Việt Nam là một trong ba đoàn viên trong toàn quốc có sáng kiến cập nhật lên Cổng thông tin trực tuyến của Chương trình, đúng thời điểm đạt mốc thứ 1 triệu sáng kiến. Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Công Thương Việt Nam cùng lãnh đạo Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã tới nơi làm việc để động viên, tặng quà anh Hoàng Quang Sáng.
Kết thúc Chương trình, toàn ngành đã cập nhật 191.781 sáng kiến lên phần mềm của Tổng LĐLĐVN, vượt chỉ tiêu được giao, mang lại hiệu quả 35,6 tỷ đồng; trong đó có 10 công trình sản phẩm được công nhận làm lợi 8 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chung cuộc, Công đoàn Công Thương Việt Nam đứng thứ Ba toàn quốc, được Tổng LĐLĐVN, Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá cao.
PV: Vậy theo ông, nhiệm kỳ 2018-2023, CĐCTVN còn những tồn tại, hạn chế gì cần được khắc phục trong nhiệm kỳ tới?
Chủ tịch Phan Văn Bản: CĐCTVN cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua đó là: một số đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp mình, nguyên nhân chính là do đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách mỏng, cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm. Công tác tham gia của công đoàn cơ sở trong việc xây dựng, sửa đổi các nội quy, quy chế, chính sách lương, thưởng, phúc lợi, tái sản xuất sức lao động của doanh nghiệp còn chưa hiệu quả. nhất là ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền tại một số doanh nghiệp chưa linh hoạt, đổi mới. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở một số công đoàn cơ sở còn chưa kịp thời; các vướng mắc của đoàn viên chưa được giải quyết triệt để, còn nhiều hạn chế...
Tất cả những tồn tại, hạn chế này đều đã được Công đoàn Công Thương Việt Nam nhận diện và đưa ra thảo luận để khắc phục trong nhiệm kỳ 2023-2028 này, nhằm nâng cao uy tín của tổ chức công đoàn, khiến đoàn viên, người lao động thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn, là nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tốt nhất.
PV: Vậy Đại hội IV, nhiệm kỳ 2023-2028 của CĐCTVN sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?
Chủ tịch Phan Văn Bản: Trong thời gian tới, quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức (Công ước 87 dự kiến phê chuẩn vào năm 2023), cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép liên kết (ngang và dọc), được gia nhập và liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động. Do đó, sẽ xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, cạnh tranh trực tiếp với công đoàn cơ sở.
Trong bối cảnh đó, đặt ra yêu cầu ngành Công Thương phải đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò đầu tàu trong việc phát triển và đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế. Phấn đấu nhiệm kỳ 2023-2028, toàn Ngành có 182.258 đoàn viên công đoàn; Ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; 80% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.
Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, trọng tâm là Chủ tịch công đoàn cơ sở có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ triển khai chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, trong đó ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn nhằm đổi mới phương thức hoạt động, bắt kịp xu hướng và hòa nhập nhanh chóng trong thời đại kỷ nguyên số đang bùng nổ mạnh mẽ hiện nay.
Mặt khác, CĐCTVN vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu Công đoàn Việt Nam, CĐCTVN với các tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác để nâng cao vị thế và uy tín của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn với các công đoàn ngành nghề quốc tế phù hợp với CĐCTVN.
Và điều không thể thiếu là phải đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo mục tiêu “lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm”; Nghiên cứu, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ để xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đoàn viên và người lao động. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị, nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng là một nhiệm kỳ mở ra rất nhiều cơ hội cho hoạt động công đoàn. Tôi tin, với sự đồng lòng, sự đoàn kết của toàn thể đoàn viên, người lao động ngành Công Thương, chúng ta sẽ vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong những tổ chức công đoàn ngành lớn nhất Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!