Công nghiệp 4.0 không chấp nhận cách dạy thiếu tính tương tác

Trong Hội nghị Khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”, nhiều khách mời đã chia sẻ những "triết lý" mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khâu

“Triết lý ngược” thời 4.0

Tham luận tại Hội nghị Khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sáng nay, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã chia sẻ một loạt những "triết lý ngược" về đào tạo nguồn nhân lực - khâu quan trọng để có được nhân lực tốt cho cuộc cách mạng 4.0.

Ông lý giải, cách mạng công nghiệp 4.0 là “cái mới thay thế cái cũ”. Từ tổng quát nhất để mô tả cuộc cách mạng này đó là từ "làm ngược".

"Làm ngược lại những gì chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược những gì chúng ta đang nghĩ. Cuộc cách mạng này mở ra cơ hội để làm ngược, là cơ hội đột phá cho người đi sau. Tuy nhiên, người đi sau phải khác biệt so với người đi trước. Nếu giống người đi trước thì chúng ta mãi mãi là người đi sau”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các trường phải đổi mới chương trình và phương thức đào tạo nguồn nhân lực

Nêu rõ hơn về cách thức đào tạo nhân sự cho cách mạng 4.0, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số “triết lý ngược” như: Trước đây, chúng ta thường học trước, làm sau. Bây giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học thì cái học vào hơn. Cho nên, các trường đại học cần cho các em làm nhiều hơn, thậm chí cho các em làm trước rồi dạy sau.

Trước đây, chúng ta chỉ cần ngôn ngữ giữa người với người (học tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp...). Bây giờ chúng ta cần biết ngôn ngữ người - máy, bởi ở thời cách mạng công nghiệp 4.0, máy làm là chính...

Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ những "triết lý ngược" về đào tạo nguồn nhân lực

Kết thúc bài tham luận, Tổng giám đốc Vietel khẳng định: Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống này là sự thay đổi. Người giỏi nhất có thể là người dốt nhất nếu nghĩ mình giỏi nhất mà không muốn tiếp thu.

Do vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các trường đại học phải luôn cần sự cố gắng, phải đặt những mục tiêu cao hơn, nhận những nhiệm vụ khó hơn và vượt khỏi vòng tròn an toàn cũng như giới hạn bản thân; phải đặt ra mục tiêu cao nhất, không chỉ là cao nhất đối với Việt Nam mà cao nhất trên thế giới.

Tiêu chí mới trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ tại Hội nghị Khoa học, Giáo sư Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hóa là hội tụ của máy móc, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực.

“Các cuộc cách mạng công nghiệp từ trước tới nay đều tạo ra nhiều việc làm hơn. Chúng ta phải đủ mạnh dạn để xóa bỏ tư duy của cũ, dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới, có khi trái ngược với những gì ta đang quan niệm. Đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng”, Giáo sư Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Giáo sư Phan Xuân Dũng: phải đủ mạnh dạn để xóa bỏ tư duy của cũ, chấp nhận khái niệm mới, tư duy mới trong thời đại 4.0

Đồng quan điểm với Giáo sư Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: đối với Ngành Công Thương, xét từ khía cạnh của các nhà cung cấp nguồn nhân lực mà cụ thể là các Trường, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ hay từ phía các ngành, các doanh nghiệp sử dụng lao động, thì đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho cuộc cách mạng này đã trở thành vấn đề cấp bách.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu. Cơ sở vật chất, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, thiếu sự gắn kết giữa lý thuyết với thực tiễn...

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới. Các cơ sở đào tạo không thể sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn để đào tạo nguồn nhân lực mà phải đổi mới, chuyển mình theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động.

Là một trong những trường đi đầu trong việc thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo để sinh viên thích ứng với thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học Công nghiệp Hà Nội thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội, phát triển các chương trình đào tạo mới; áp dụng tiếp cận CDIO trong phát triển chương trình đào tạo.

“Nhà trường luôn luôn đổi mới phương thức, phương pháp đào tạo; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và truyền thông, đẩy mạnh quốc tế hóa và đổi mới công tác quản lý” – ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay.

Hạ Vũ