Giai đoạn 20 năm: 1975 - 1995
Sau một thời gian tập trung khôi phục lại các cơ sở công nghiệp, ngành công nghiệp Đồng Nai đã đưa sản xuất trở lại bình thường và sau đó liên tục đạt được tốc độ phát triển khá cao. Trong giai đoạn 20 năm từ 1975 - 1995, trải qua 5 thời kỳ Đại hội Tỉnh Đảng bộ, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ Đồng Nai đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương phát triển công nghiệp của Trung ương, đã chỉ ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp Đồng Nai trong 20 năm (1975 - 1995) và là nhân tố quyết định tạo ra những thành tựu quan trọng của ngành công nghiệp, nổi bật nhất là những thành tựu lớn sau đây:
- Trong 20 năm từ 1976 - 1995, công nghiệp Đồng Nai đã đạt được mức tăng trưởng cao với tốc độ tăng bình quân 22,1%/năm, trong đó công nghiệp trung ương tăng 30,9%/năm, công nghiệp địa phương tăng 17,5/năm. Cụ thể theo các giai đoạn 5 năm như sau: (Xem bảng 1).
- Do đạt được tốc độ tăng trưởng cao nên ngành công nghiệp ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế Đồng Nai, góp phần to lớn vào việc tạo việc làm, làm tăng giá trị nông sản, cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; đồng thời đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này. Kết quả chuyển dịch cơ cấu GDP (%) như sau: (xem bảng 2).
- Sự phát triển của ngành công nghiệp Đồng Nai đã tạo ra hàng vạn việc làm, không chỉ trong ngành công nghiệp mà còn ở các ngành kinh tế khác, trước hết là những ngành liên quan chặt chẽ đến sản xuất công nghiệp như cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và ngành thương nghiệp bán sỉ và lẻ hàng công nghiệp. Riêng ngành công nghiệp, số lao động công nghiệp năm 1995 lên đến gần 68 ngàn người, tăng 54,2 ngàn người và gấp 4,9 lần so với năm 1976.
- Sự tăng trưởng cao của ngành Công nghiệp Đồng Nai trong giai đoạn 1976 - 1995 là kết quả của việc phát huy tổng hợp tiềm năng của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Công nghiệp quốc doanh được hình thành từ việc tiếp quản các cơ sở cũ và chủ yếu là do đầu tư xây dựng mới. Khu vực công nghiệp quốc doanh luôn giữ vai trò chủ đạo của mình và đã phát triển mạnh mẽ từ sau khi Nhà nước thực hiện chính sách đổi mới kinh tế năm 1986. Đến năm 1995, giá trị sản xuất công nghiệp do khu vực công nghiệp quốc doanh tạo ra đã gấp 39,9 lần so với năm 1976, tốc độ tăng bình quân từ năm 1976 - 1995 là 21,1%/năm, trong đó quốc doanh trung ương tăng 167,7 lần, tăng bình quân 30,9%/năm và công nghiệp quốc doanh địa phương tăng 7,2 lần, tăng bình quân 10,9%/năm.
Đặc biệt, cùng với việc thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra cho khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 1976, công nghiệp ngoài quốc doanh mới có 1.422 cơ sở, chủ yếu thuộc các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ và lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và sản xuất các đồ gia dụng bằng kim loại. Đến năm 1980 đã tăng lên đến 1.798 cơ sở, năm 1985 là 2.101 cơ sở, năm 1990 là 2.349 cơ sở, năm 1995 là 4.785 cơ sở. Công nghiệp ngoài quốc doanh không chỉ tăng về số cơ sở mà qui mô và năng lực sản xuất của mỗi cơ sở cũng tăng lên đáng kể. Giá trị tổng sản lượng khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh năm 1995 (tính theo giá cố định 1989) đã gấp 18,6 lần năm 1976, tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 1976 - 1995 là 16,6%/năm, trong đó giai đoạn 1976 - 1980 tăng 12,4%/năm, giai đoạn 1981 - 1985 tăng 26%/năm, giai đoạn 1986 - 1990 tăng 3,7%/năm và giai đoạn 1991 - 1995 tăng 25%/năm. Ngoài ra, từ năm 1992, trong ngành công nghiệp Đồng Nai còn có thêm các doanh nghiệp khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động. Đến năm 1995, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tỷ trọng 39,54% giá trị toàn ngành Công nghiệp.
- Sau 20 năm xây dựng và phát triển (1976 - 1995), ngành công nghiệp Đồng Nai đã bước đầu xác lập được các ngành công nghiệp chủ lực làm nền tảng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó là các ngành công nghiệp điện, cơ khí và luyện kim, kỹ thuật điện và điện tử, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ và lâm sản, chế biến nông sản, da giầy và may mặc.
Giai đoạn 10 năm: 1996 - 2005
Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp Đồng Nai bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực châu á, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2000 và sau đó tình hình đã khôi phục lại cho đến nay. Thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này bị giảm sút mạnh, tình hình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số KCN bị đình trệ, tình hình thị trường xuất khẩu bị thu hẹp đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, tính chung trong cả giai đoạn này thì ngành công nghiệp Đồng Nai vẫn duy trì tăng trưởng khá cao (khoảng 20%/năm).
Tính đến năm 2004, giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 34.129 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996 - 2004 là 19,98%/năm. Trong đó: Công nghiệp quốc doanh trung ương là 5.960 tỷ đồng, chiếm 17,5% giá trị SXCN toàn tỉnh và tăng bình quân 7,1%/năm; Công nghiệp quốc doanh địa phương là 2.123 tỷ đồng, chiếm 6,2% toàn tỉnh và tăng bình quân 15,75%/năm; Công nghiệp ngoài quốc doanh là 4.960 tỷ đồng, chiếm 14,5% toàn tỉnh và tăng bình quân 27,3%/năm; Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 21.086 tỷ đồng, chiếm 61,8% toàn tỉnh và tăng bình quân 25,1%/năm. Tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 1996 - 2004 đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đồng Nai theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, trong đó tỷ trọng GDP công nghiệp đã tăng từ 37,8% năm 1995 tăng lên 57% năm 2004.
Số cơ sở công nghiệp tính đến năm 2004 có tổng cộng 8.936 cơ sở (tăng 2.396 cơ sở so với năm 1995) với 278.242 lao động (tăng 200.246 lao động so với năm 1995), trong đó: Công nghiệp quốc doanh trung ương là 36 cơ sở (giảm 6 cơ sở) với 13.812 lao động (giảm 1.966 lao động), chiếm 5% lao động công nghiệp; Công nghiệp quốc doanh địa phương là 22 cơ sở (giảm 10 cơ sở) với 11.448 lao động (giảm 1.937 lao động), chiếm 4% lao động công nghiệp; Công nghiệp ngoài quốc doanh là 8.568 cơ sở (tăng 2.130 cơ sở) với 70.948 lao động (tăng 45.142 lao động), chiém 26% lao động công nghiệp; Khu vực đầu tư nước ngoài đã có 310 dự án đi vào sản xuất (tăng thêm 282 cơ sở mới đi vào hoạt động) và thu hút 182.034 lao động (tăng thêm 159.007 lao động) - chiếm 65% tổng lao động toàn ngành công nghiệp. Như vậy, trong giai đoạn này, ngành công nghiệp Đồng Nai tiếp tục phát triển mạnh số lượng cơ sở và thu hút nhiều lao động thuộc khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự phát triển của ngành công nghiệp Đồng Nai trong những năm qua đã góp phần làm cho Đồng Nai vươn lên đứng hàng thứ 3 cả nước về phát triển công nghiệp và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến năm 2004, tỷ trọng giá trị SXCN Đồng Nai chiếm 9,4% giá trị SXCN toàn quốc (nếu không tính doanh nghiệp phụ thuộc theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 7,3%) và chiếm tỷ trọng 16% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Vùng (số của Tổng cục Thống kê là 15,1%).
Ngành Công nghiệp không những đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng mà còn tham gia xuất khẩu, năm 2004, giá trị xuất khẩu đã đạt trên 2,1 tỷ USD (chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Năng suất lao động ngành Công nghiệp ngày càng được cải thiện, tạo việc làm và có thu nhập cho hàng chục ngàn lao động hàng năm, số lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp đến năm 2004 đã lên tới trên 278.000 người.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2005), ngành Công nghiệp Đồng Nai đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp (tỷ trọng GDP công nghiệp tăng từ 13,4% năm 1976 lên 57% năm 2004). Nguyên nhân cơ bản đạt được những thành tựu trên là do chính sách đổi mới kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã khơi dậy mọi tiềm năng nội lực, đồng thời thu hút mạnh được ngoại lực bên ngoài để phát triển kinh tế. Mặt khác, nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Công nghiệp, sự phối hợp thực hiện của các ngành, các cấp và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành trung ương nên đã phát huy mạnh mẽ được những lợi thế của Đồng Nai để thu hút các nguồn vốn bên ngoài phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Công nghiệp Đồng Nai 30 năm xây dựng và phát triển
TCCT
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành công nghiệp Đồng Nai đã sớm gắn liền với việc xây dựng khu công nghiệp tập trung. Khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng ở Biên Hòa vào năm 1963 với diệ