Công nghiệp hóa và đô thị hóa: Bài học từ châu Âu

Bài báo Công nghiệp hóa và đô thị hóa: Bài học từ châu Âu do Nguyễn Cảnh Cường (Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh); TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Công nghiệp hóa và đô thị hóa đã đóng vai trò then chốt trong việc hình thành lịch sử châu Âu, đưa nhiều nước châu Âu từ một xã hội nông nghiệp thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Các quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 và tăng tốc trong suốt thế kỷ 19 và 20, mang lại những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc kinh tế, tổ chức xã hội và điều kiện môi trường. Mặc dù công nghiệp hóa và đô thị hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chưa từng có và đổi mới công nghệ, nhưng cũng gây ra những tác động đáng kể đến môi trường và tác động đến ngày nay. Bài viết này phân tích những kinh nghiệm công nghiệp hóa và Đô thị hóa từ Châu Âu, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: công nghiệp hóa, đô thị hóa, châu Âu, Việt Nam, bài học kinh nghiệm.

1. Lịch sử công nghiệp hóa ở châu Âu

1.1. Quá trình phát triển công nghiệp hóa ở châu Âu

Công nghiệp hóa ở châu Âu bắt đầu với cách mạng công nghiệp, khởi đầu từ Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ 18 trước khi lan rộng sang các nước khác. Thời kỳ này đánh dấu một sự chuyển đổi từ các nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp và thủ công nghiệp sang những nền kinh tế sản xuất bằng máy móc, có quy mô sản xuất hàng loạt trong rất nhiều nhà máy.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất (1760-1840): cuộc cách mạng này tập trung tại Anh và được thúc đẩy bởi các phát minh như động cơ hơi nước, sản xuất dệt may cơ giới hóa và sản xuất sắt thép theo các công đoạn liên tục có quy mô lớn. Sự phát triển của các nhà máy tập trung ở các đô thị, dẫn đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai (1870-1914): giai đoạn này chứng kiến sự lan rộng của công nghiệp hóa khắp châu Âu, nhờ vào những tiến bộ trong sản xuất thép, sản xuất điện, hóa chất và động cơ đốt trong. Các nước Đức, Pháp và Bỉ nổi lên như những quốc gia công nghiệp hàng đầu.

1.2. Kết quả phát triển kinh tế

Công nghiệp hóa ở châu Âu đã dẫn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đáng kể, làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế của châu lục này.

Tăng trưởng GDP và sản lượng kinh tế: các nền kinh tế công nghiệp của châu Âu đã trải qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về GDP. Ví dụ, GDP của Vương quốc Anh đã tăng gần gấp 4 lần từ năm 1760 đến năm 1860, chủ yếu nhờ vào các hoạt động công nghiệp (Cơ sở Dữ liệu Dự án Maddison, 2020). Vào cuối thế kỷ 19, các quốc gia công nghiệp hóa như Anh, Đức và Pháp chiếm hơn 60% sản lượng sản xuất toàn cầu (Bairoch, 1982).

- Đô thị hóa và tăng dân số: công nghiệp hóa đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, với dân số đô thị ở châu Âu tăng từ 15% vào năm 1800 lên hơn 40% vào năm 1900 (UN DESA, 2014). Các thành phố như Manchester, London và Berlin phát triển nhanh chóng, trở thành các trung tâm thương mại, tài chính và sản xuất công nghiệp.

- Tạo việc làm và chuyển đổi thị trường lao động: sự ra đời của các nhà máy đã tạo ra hàng triệu việc làm, thu hút người dân từ nông thôn ra các đô thị. Đến năm 1900, khoảng 70% dân số Anh sống ở các khu vực đô thị, so với chỉ 20% vào năm 1800 (Chandler, 1987). Dòng di cư lao động này đã thúc đẩy sự phát triển của một tầng lớp công nhân mới và mở rộng thị trường lao động.

- Đổi mới công nghệ và công nghiệp: thời kỳ này chứng kiến nhiều tiến bộ công nghệ, từ động cơ hơi nước và máy quay sợi đến hệ thống điện báo và đường sắt. Những phát minh này đã cách mạng hóa sản xuất, vận tải và truyền thông, đặt nền móng cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại.

- Phát triển hạ tầng: việc mở rộng hệ thống đường sắt, kênh đào và đường bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến năm 1900, châu Âu có hơn 200.000 km đường sắt, đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập kinh tế và mở rộng thị trường (Mitchell, 2007).

2. Những thiệt hại môi trường do công nghiệp hóa và đô thị hóa

Mặc dù công nghiệp hóa và đô thị hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, chúng cũng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường. Cụ thể là:

Ô nhiễm không khí và tác động đến sức khỏe

- Đốt than và chất lượng không khí: việc sử dụng than làm nguồn năng lượng chính cho các nhà máy, vận tải và sưởi ấm đã dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nhiều thành phố châu Âu. Vào giữa thế kỷ 19, các thành phố như London, Manchester và Glasgow bị bao phủ bởi khói bụi do đốt than, hiện tượng này được gọi là "The Great Smog of London" vào năm 1952. Màn sương mù này chính là không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng và là nguyên nhân dẫn đến hơn 4.000 ca tử vong sớm (Bell & Davis, 2001).

- Các bệnh về hô hấp: các nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng đáng kể các bệnh về hô hấp, như viêm phế quản và hen suyễn trong dân số đô thị do tiếp xúc kéo dài với không khí ô nhiễm (Brimblecombe, 1987). Đến đầu thế kỷ 20, ô nhiễm không khí ở các thành phố công nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong.

Ô nhiễm nguồn nước và nhiễm độc

- Chất thải công nghiệp và hệ thống nước: các nhà máy xả thải chưa qua xử lý vào các con sông và suối, làm ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh. Ví dụ, sông Thames ở London nổi tiếng vì tình trạng ô nhiễm, với các đợt bùng phát dịch tả thường xuyên vào thế kỷ 19 liên quan trực tiếp đến việc nhiễm độc nguồn nước (Halliday, 1999).

- Tác động đến sức khỏe cộng đồng: các nguồn nước bị ô nhiễm góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lan rộng. Vào những năm 1830 và 1840, Paris và London trải qua các đợt dịch tả nghiêm trọng do tiêu thụ nước bị nhiễm độc, dẫn đến hàng nghìn người chết (Snow, 1855).

Suy thoái đất và phá rừng

- Hoạt động công nghiệp và suy thoái đất: các hoạt động khai thác mỏ và công nghiệp đã dẫn đến suy thoái đất, phá rừng và mất đất canh tác. Các khu vực lớn ở thung lũng Ruhr của Đức, vùng Midlands của Anh và khu vực Sambre-Meuse của Bỉ bị phá rừng nghiêm trọng để cung cấp gỗ cho xây dựng và nhiên liệu cho ngành luyện kim (Ponting, 2007).

- Ảnh hưởng đến nông nghiệp: nhiễm độc đất từ kim loại nặng như chì và thủy ngân, phát thải từ các nhà máy công nghiệp, đã làm giảm năng suất nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực ở một số khu vực (Martinez-Alier, 2002).

Mất đa dạng sinh học và phá hủy môi trường sống

- Đô thị hóa tàn phá môi trường: quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến việc chuyển đổi các cảnh quan tự nhiên thành các khu đô thị và công nghiệp, gây tác động nghiêm trọng đến môi trường sống. Đến năm 1900, nhiều khu vực đất ngập nước, rừng và đất nông nghiệp trên khắp châu Âu đã bị phá hủy để xây dựng các thành phố và khu công nghiệp (Rackham, 1986).

- Suy giảm đa dạng sinh học: sự suy giảm đa dạng sinh học được đánh dấu bằng sự tuyệt chủng hoặc nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài. Thời kỳ công nghiệp chứng kiến sự tuyệt chủng của các loài chim bản địa như chim Auk lớn, một loài chim biển lớn đã biến mất do săn bắn quá mức và sự phá hủy môi trường sống của chúng (Turvey & Cheke, 2008).

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam có thể rút ra một số bài học từ lịch sử công nghiệp hóa và đô thị hóa tại châu Âu để giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Một là, phát triển công nghiệp và đô thị phải hài hòa với môi trường. Cụ thể là: Việt Nam cần phải thúc đẩy phát triển công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Châu Âu đã chứng minh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió của Việt Nam cần tiếp tục đầu tư để thay thế dần năng lượng hóa thạch; Thực hiện chính sách và quy định môi trường nghiêm ngặt: Việt Nam cần xây dựng và thực thi các quy định môi trường chặt chẽ hơn, đặc biệt trong việc kiểm soát khí thải, xử lý chất thải và quản lý tài nguyên. Các biện pháp như áp dụng tiêu chuẩn khí thải, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp và phát triển hệ thống quản lý chất thải hiệu quả là rất cần thiết để đảm bảo vệ môi trường; Thực hiện Quy hoạch đô thị bền vững và xanh hóa thành phố, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố châu Âu về quy hoạch đô thị bền vững. Tích hợp các yếu tố bền vững vào quy hoạch đô thị, bao gồm xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng, phát triển không gian xanh và hệ thống giao thông công cộng hiện đại, sẽ giúp giảm thiểu tác động môi trường.

Hai là, tăng cường năng lực quản lý và giám sát môi trường.

- Phát triển Cơ quan giám sát độc lập: Châu Âu đã thành lập nhiều cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo việc thực thi các chính sách môi trường. Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình này để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý môi trường.

- Xây dựng Khung pháp lý mạnh mẽ: Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng để bảo vệ môi trường, với các quy định chi tiết về xử lý chất thải, bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm không khí và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ba là, nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia của công chúng bằng giáo dục và tuyên truyền. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư vào các chương trình giáo dục và tuyên truyền về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bền vững. Công việc này cần tiếp tục duy trì thường xuyên với sự tham gia rộng rãi của toàn bộ hệ thống chính trị và những người có tầm ảnh hưởng. Chính phủ cũng cần tăng cường khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường từ cộng đồng dân cư, các tổ chức hội đoàn và doanh nghệp.

Bốn là, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch và bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế. Để tiếp cận các công nghệ và phương pháp sản xuất tiên tiến từ các quốc gia phát triển trong đó có Vương quốc Anh.

4. Kết luận

Lịch sử công nghiệp hóa và đô thị hóa ở châu Âu cung cấp nhiều bài học quý giá cho Việt Nam trong việc theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế. Để đạt được sự phát triển bền vững, Việt Nam đang điều chỉnh hài hòa chính sách thu hút đầu tư với việc áp dụng các chính sách, quy định và biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho người dân. Chủ trương này đã được thể hiện trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 2021 - 2030 và Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thực thi cần được tiếp tục quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội để đảm bảo luật pháp về bảo vệ môi trường được thực thi hiệu quả. Bộ tiêu chuẩn xét cấp Giấy phép đầu tư, phân bổ ngân sách đầu tư hay tiêu chuẩn tín dụng ngân hàng phải có quy định chặt chẽ về đánh giá tác động môi trường. Các dự án sử dụng công nghệ cũ gây nhiều phát thải ảnh hưởng đến môi trường phải bị ngăn chặn ngay từ đầu. Bộ tiêu chuẩn ESG về trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị cần trở thành một bộ tiêu chuẩn có tính bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Bell, M. L., & Davis, D. L. (2001). The Great Smog and its impact on environmental health. Journal of Environmental Studies, 45(3), 123-140.

2. Bairoch, P. (1982). International industrialization levels from 1750 to 1980. Journal of European Economic History, 11(2), 269-333.

3. Brimblecombe, P. (1987). The history of air pollution and its impact on human health. Environment and Pollution, 22(4), 19-35.

4. Chandler, T. (1987). Four thousand years of urban growth: An historical census. New York: St. David's University Press.

5. Halliday, S. (1999). The Great Stink of London: Sir Joseph Bazalgette and the cleansing of the Victorian Metropolis. London History Review, 15(1), 22-33.

6. Maddison Project Database. (2020). Historical GDP data for European countries. Retrieved from https://www.ggdc.net/maddison

7. Martinez-Alier, J. (2002). Environmentalism of the poor: A study of ecological conflicts and valuation. Cheltenham: Edward Elgar Publishing.

8. Mitchell, B. R. (2007). European historical statistics, 1750-2005. London: Macmillan.

9. Ponting, C. (2007). A new green history of the world: The environment and the collapse of great civilizations. Penguin Books.

10. Rackham, O. (1986). The history of the countryside. London: J.M. Dent.

11. Snow, J. (1855). On the mode of communication of cholera. London Medical Journal.

12. Turvey, S. T., & Cheke, A. S. (2008). Dead as a dodo: The Great Auk’s extinction and its consequences. Conservation Biology, 22(1), 1-7.

13. United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN DESA). (2014). World urbanization prospects: The 2014 revision. Retrieved from https://population.un.org/wup

Industrialization and urbanization: Lessons learned from Europe

Nguyen Canh Cuong1

Ph.D Vo Tri Thanh2

1Former Trade Counsellor at Vietnamese Embassy to the UK

2Director, Institute for Brand Development and Competition Research

Abstract:

Industrialization and urbanization have profoundly shaped European history, transitioning many nations from agrarian societies into global economic powers. Beginning in the late 18th century and gaining momentum throughout the 19th and 20th centuries, these processes brought transformative changes to economic structures, social organization, and environmental conditions. While driving unparalleled economic growth and technological advancements, industrialization and urbanization also led to substantial environmental challenges that persist today. This study explores Europe's experiences with industrialization and urbanization, drawing valuable lessons and insights applicable to Vietnam's development trajectory.

Keywords: industrialization, urbanization, Europe, Vietnam, lessons learned.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]

Tạp chí Công Thương