Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đây là phân ngành công nghiệp đứng thứ 9/32 về giá trị sản xuất; nằm trong các phân ngành xuất khẩu chủ lực, chỉ đứng sau dầu thô và điện thoại, đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD/ năm. Ngành công nghiệp này cũng đóng góp rất lớn về giải quyết công ăn việc làm cho xã hội, hiện là phân ngành công nghiệp đứng 5/32 về thu hút lao động.
Với Hà Nội, tuy phân ngành công nghiệp này chỉ đứng vị trí thứ 11/32 về giá trị sản xuất, nhưng lại đứng thứ 2/32 về giải quyết lao động việc làm. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may hàng năm của Hà Nội cũng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/ năm.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 500 DN may, thu hút trên 60 nghìn lao động. Trong đó có cả các DN có vốn Nhà nước, DN dân doanh và trên 20 DN vốn FDI cùng tham gia. Các sản phẩm may thế mạnh của Hà Nội là hàng dệt kim của Cty Dệt kim Đông Xuân, Hanosimex, Minh Trí,... hàng sơ mi của May 10, May Thăng Long,.., chăn ga gối đệm của Havico, Ghome,…
Các DN thuộc nhóm dẫn đầu ngành may Hà Nội hiện nay là May 10, May Đức Giang, May Hồ Gươm, May Chiến Thắng… Đây là các DN Nhà nước cổ phần hóa đang đạt quy mô doanh thu trên 1000 tỷ đồng/ năm. Với trên 30 DN may đạt quy mô sản xuất trên 100 tỷ đồng doanh thu/ năm, ngành may Hà Nội đã có sự phát triển chuyên sâu, có sự cạnh tranh sôi động trong phát triển. Bản thân nhiều DN may của Hà Nội đã được khách hàng thế giới đánh giá là có nhiều lợi thế về chi phí lao động, về kỹ năng và tay nghề.
Ngành May được coi là phân ngành công nghiệp sớm phát triển, có bề dày truyền thống tại Hà Nội. Đây là ngành công nghiệp được coi là phù hợp với tố chất người Việt Nam, đó là sự cần cù, tỷ mỉ, khéo léo,... Với yêu cầu về mức độ vốn đầu tư vừa phải, nếu tổ chức sản xuất tốt sẽ nhanh thu hồi vốn, lại giải quyết được việc làm cho nhiều lao động. Hơn nữa, đây là ngành công nghiệp sớm tham gia xuất khẩu đi nhiều nước, góp phần thu ngoại tệ, giảm bớt nhập siêu.
Phương thức may gia công rất phổ biến trước đây tại Hà Nội nay đã giảm vì hiệu quả thấp. Các DN may Hà Nội đã chuyển mạnh sang phương thức sản xuất mua nguyên liệu, bán sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội đã có nhiều DN may tạo ra bước đột phá khi chuyển sang làm hàng có thương hiệu riêng, đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số DN có vốn FDI tuy gia nhập thị trường muộn, nhưng đã nhanh chóng đạt qui mô sản xuất lớn là Cty Việt Pacific, Jc plus vina,… Gần đây, nhiều DN may Hà Nội đã chú trọng nhiều về phát triển theo chiều sâu, chú trọng đến mẫu mã, kiểu dáng và chất lượng. Các công đoạn lâu nay còn yếu kém như nghiên cứu phát triển R&D, thiết kế, may thời trang, phát triển kiểu dáng mẫu mã mới, phát triển hệ thống phân phối,… cũng đã có các bước tiến bộ rất đáng kể.
Cơ cấu sản phẩm may xuất khẩu của Hà Nội cũng đã có nhiều thay đổi, bên cạnh các sản phẩm may tương đối phổ thông như quần áo bảo hộ, áo jaket,… đã phát triển mạnh hơn các sản phẩm khó hơn như áo sơ mi, áo vest. Một sốDN như Cty May 10 đã thực hiện được các đơn hàng cao cấp là bộ vest xuất khẩu sang Nhật Bản là thị trường rất khó tính.
Những năm gần đây, các DN may lớn của Hà Nội đã chú trọng nhiều đến thị trường nội địa. Trên thực tế, hàng may made inVietnamcủa các DN may Hà Nội ngày càng được tín nhiệm cao của người tiêu dùng trong nước so với rất nhiều sản phẩm nhập khẩu.
Về công nghệ, ngành may có sự đổi mới nhanh về công nghệ so với nhiều ngành công nghiệp khác của Hà Nội. Hầu hết các máy móc thiết bị của các DN may lớn đã đầu tư mới hoàn toàn, đạt trình độ tiên tiến. Đặc biệt là các DN rất chú trọng đầu tư nhiều loại máy chuyên dụng cao cấp tạo ra bước đột phá mới về chất lượng, đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu sang các nước phát triển. Một số DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, tự động hóa từng bộ phậnchuyên sâu cho một loại sản phẩm như bộ vét, sơ mi của Cty May 10. Tại khâu hoàn tất sản phẩm đã được trang bị các thiết bị chuyên dùng như thiết bị là hết diện tích, thiết bị đóng túi, súng bắn nhãn, máy dò kim,… Các DN may lớn của Hà Nội đều đã ứng dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng quốc tế của châu Âu, của Nhật Bản tạo ra năng suất, chất lượng ổn định hơn hẳn so với trước.
Ngành may là ngành công nghiệp có thể nói là đi đầu trong phát triển, mở rộng thị trường trong giai đoạn kinh tế hội nhập. Các DN may Hà Nội đã mở thêm nhiều thị trước mới sau gia nhập WTO. Bên cạnh châu Âu là khách hàng truyền thống, các thị trường mới phát triển tương đối nhanh là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản. Các sản phẩm May 10, May Chiến Thắng, … đã có chỗ đứng tốt tại thị trường châu Âu, thậm chí còn thâm nhập được vào các siêu thị hàng trang phục cao cấp của các nước này. Một số DN may Hà Nội đã kết nối được với các tập đoàn thời trang lớn của thế giới.
Tuy nhiên, hàng dệt may Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước như Trung Quốc, Băng La đét,... Do công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước chưa phát triển, nên giá trị gia tăng ngành dệt may còn thấp, bị hạn chế nhiều trong cạnh tranh so với các nước khác. Về phần mình, năng lực tiếp thị còn hạn chế, phần lớn các DN chưa phát triển tốt thương hiệu của mình, làm ăn còn qua nhiều trung gian khi giao dịch với nước ngoài. Gần đây, các nước trên thế giới đang vận dụng nhiều các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn, môi trường, trách nhiệm xã hội, chống trợ giá để bảo hộ cho ngành dệt may của họ, Trong khi đó, các DN Việt chưa nhiều kinh nghiệm ứng phó, không có đủ tiềm lực theo đuổi các vụ kiện chống phá giá, dẫn đến thua thiệt trong tranh chấp thương mại.
Khó khăn mà các DN may của Hà nội đang gặp phải là còn rất bị động về nguyên phụ liệu sản xuất vì còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đã được cải thiện nhiều, nhưng còn rất thấp so với mức 90% của Ấn Độ và 95% của Trung Quốc.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các DN đang phải đối mặt với lãi suất cao nên rất khó cạnh tranh với các DN ngoại. Chi phí vốn cao và tiếp cận nguồn vốn khó khăn đang là hạn chế đặc thù nhất của các DN may trong nước.
Thị trường suy thoái, các chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng nhanh, cụ thể là giá xăng, dầu, điện, lương công nhân, bảo hiểm xã hội… Trong khí đó, năng suất lao động công nhân may của chúng ta khá thấp so với Trung Quốc, Hàn Quốc,.. đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Những năm vừa qua, ngành công nghiệp may của Hà Nội có xu hướng chuyển dịch dần sang các địa phương khác vì Hà Nội không còn nhiều lợi thế về mặt bằng và lao động phổ thông giá rẻ. Tăng trưởng ngành may của Hà nội thấp hơn so với các ngành điện tử, cơ khí,,.. Việc mở rộng sản xuất của các DN may lớn của Hà Nội cũng đang phát triển mạnh về các địa phương khác. Thực trạng trên đã tạo ra áp lực rất cao cho ngành công nghiệp may của Hà Nội.
Về lâu dài, ngành may công nghiệp vẫn được xem là ngành công nghiệp quan trọng của Hà Nội. Tuy nhiên, ngành may Hà Nội đang chịu nhiều áp lực để cơ cấu lại sản phẩm và cấu trúc lại DN. Định hướng mới cho ngành may Hà Nội, đó là phải hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn, chuyên sâu hơn, phát triển mạnh các công đoạn có giá trị gia tăng lớn hơn như thiết kế thời trang, phát triển mẫu mã mới và kết nối mạnh hơn với các tập đoàn dệt may hàng đầu thế giới.