Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc, TPHCM, cho biết tình hình thay đổi trái ngược so với mọi năm. Đối với doanh nghiệp khuôn mẫu, sau Tết là mùa thấp điểm, thời gian này thường tập trung đào tạo lao động chuẩn bị cho mùa cao điểm trong quý III và quý IV.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên thế giới bị đứt nguồn cung từ Trung Quốc đã đặt hàng Lập Phúc sản xuất khuôn mẫu. Đơn hàng tăng từ 10-20%, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp này vừa chạy hết dây chuyền như các tháng cuối năm, vừa tuyển thêm và đào tạo lao động để chuẩn bị cho mùa cao điểm sau khi dịch đi qua.
Đơn hàng mới cũng tăng với tỉ lệ tương ứng như Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc, nhưng Công ty TNHH Cao su Đức Minh, TPHCM đang phải tăng công suất hoạt động để đáp ứng đơn hàng truyền thống và đơn hàng mới từ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc công ty cho biết, nguyên nhân là do công ty có đơn hàng ổn định song lại thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều lao động đã về quê tránh dịch, một số khác buộc phải nghỉ việc vì không có người trông con nên công ty tính đến giải pháp tăng giờ làm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giải pháp này vướng phải quy định giờ làm thêm của người lao động.
Bà Lê Bích Loan, Phó Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết đang đề xuất Thủ tướng cho phép nới khung giờ làm thêm của người lao động, xem như trường hợp đặc biệt ở thời điểm hiện nay đối với các doanh nghiệp tăng đột biến đơn hàng mới.
Theo bà Loan, tỉ lệ doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không cao. TPHCM đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp cải thiện nên dịp này phải nắm bắt cơ hội khi các doanh nghiệp đa quốc gia đặt hàng doanh nghiệp Việt. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM tích cực kết nối để đẩy nhanh quy trình từ phát phiếu đăng ký đến các doanh nghiệp phụ trợ theo đơn hàng của doanh nghiệp lắp ráp; đánh giá năng lực; khảo sát thực tế và kết nối chuyên gia từ công ty mẹ hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt.
Trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ người đến từ vùng dịch như hiện nay, chuyên gia từ các công ty lắp ráp nước ngoài sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp phụ trợ Việt qua kênh trực tuyến để đẩy nhanh đơn hàng đi vào sản xuất.
Như bà Lê Bích Loan nhận định, dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế trong nước nhưng vẫn tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đây là cơ hội ngắn hạn, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tận dụng mới giữ được lợi thế duy trì đối tác lâu dài. Nhưng thực tế, ngay cả khi dồn dập có thêm đơn hàng mới thì các công ty như Khuôn mẫu Lập Phúc hay Cao su Đức Minh sẽ khó đáp ứng được các đơn hàng nếu dịch bệnh kéo dài.
Trước hết là nỗi lo người lao động lây nhiễm virus có thể dẫn đến cả doanh nghiệp buộc phải cách ly, ngừng sản xuất. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong nước cũng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và nguồn hàng về rất chậm. Ông Nguyễn Quốc Anh lo ngại nếu trong tháng 3 không về đủ nguồn nguyên liệu thì sang tháng 4, công ty phải dừng 50% đơn hàng truyền thống.
Trước tình hình này, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đôn đốc tìm kiếm các nguồn cung mới từ thị trường lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và chấp nhận giá thành cao hơn so với nguyên liệu từ Trung Quốc. Đây vẫn là giải pháp khả thi vì mang lại nhiều lợi ích: Tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng cho khách hàng truyền thống và phát triển được khách hàng mới. Tác động của dịch càng cho thấy phải đa dạng nguồn cung nguyên liệu sản xuất, không phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro cho những trường hợp thiên tai, dịch họa như hiện nay.
Trong những cái khó như vậy, doanh nghiệp phụ trợ có thêm hi vọng khi gián tiếp hưởng lợi từ chính sách giảm mặt bằng lãi suất chung của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Trí chia sẻ, với doanh nghiệp phụ trợ, chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị rất lớn, thời gian quay vòng dòng vốn dài hơn so với sản phẩm tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch bệnh, đối tác gặp khó khăn thì dòng tiền về doanh nghiệp phụ trợ lại kéo dài thêm, đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian vay vốn, tăng thêm gánh nặng lãi suất ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Anh đã thăm dò một số ngân hàng tham gia đăng ký gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, nguồn vốn này sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp, còn công nghiệp phụ trợ hưởng lợi gián tiếp từ chính sách này. Đó là khi sản xuất được tiếp sức, nền kinh tế phục hồi thì dòng tiền từ đối tác hoàn trả sẽ nhanh hơn, có nguồn chi cho đầu tư thiết bị và chấp nhận được giá thành nguyên liệu cao hơn từ những nguồn cung ngoài Trung Quốc, tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.