Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Văn phòng Bộ Công Thương.
Về phía Samsung Electronics Việt Nam có Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Kim Dong Hwan.
Về phía tỉnh Hải Dương có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng hàng chục doanh nghiệp dự kiến được lựa chọn tham gia chương trình cải tiến.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là lần đầu tiên một chương trình tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ được tổ chức cho riêng một tỉnh, với sự kết hợp của các cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
Với những kết quả thiết thực đem lại cho tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khẳng định vai trò dẫn dắt
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cũng phải nhìn nhận thực tế khách quan hiện nay, trình độ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong nước và thế giới. Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay siêu nhỏ, trình độ hạn chế về nhiều mặt.
Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Vai trò của các địa phương trong việc xây dựng chính sách, chương trình phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng và cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ sự đánh giá cao với việc UNBD tỉnh Hải Dương đã có các hoạt động nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa bàn.
"Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung Hàn Quốc, đội ngũ tư vấn viên Việt Nam từ Dự án hợp tác đào tạo do Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam phối hợp thực hiện, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Hải Dương được lựa chọn tham gia vào Dự án sẽ đạt được những kết quả tích cực", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với một số địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp tại địa phương, trong đó có chú trọng ngành công nghiệp hỗ trợ.
Việc tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp cùng Samsung và Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mô hình tốt cần nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Thông qua hiệu quả hoạt động của Chương trình, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Trên cơ sở đó, các địa phương cần phải đầu tư nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hải Dương đang tăng tốc
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đã phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giầy.
“Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã góp một phần phục vụ cho sản xuất của các ngành công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tạo mối liên kết sản xuất giữa vệ tinh công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.
Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực của Hải Dương, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng cam kết tỉnh luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, sát cánh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Là một trong số ít những doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương chính thức trở thành nhà cung ứng cấp 2 của Samsung từ tháng 3/2019, Tập đoàn An Phát Holdings cho biết đang thực hiện các hoạt động đầu tư, cải tiến bài bản để với định hướng trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung trong thời gian tới.
“Chúng tôi tự hào vì hàng triệu các sản phẩm công nghệ cao mà khách hàng toàn cầu đang sử dụng hiện nay có sự đóng góp của bàn tay, khối óc cán bộ công nhân viên An Phát tại Hải Dương.
Trong vấn đề nội địa hóa, chúng tôi đã và sẽ nỗ lực tăng số lượng, hàm lượng chất xám Việt Nam trong các sản phẩm linh kiện để cung cấp cho những chiếc điện thoại, ô tô, xe máy, máy in, máy giặt… vốn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng vào nguồn vốn, công nghệ, con người”, ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định.
Tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 130 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 44 dự án về lĩnh vực điện tử.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của 3 ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2019 bình quân đạt trên 15,4%/năm.
Năm 2019, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.
Mảnh ghép hoàn thiện mang tên Samsung
Khẳng định những nỗ lực của Samsung nhằm góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ nội địa từ khi chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 2008, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, chương trình phái cử chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam nhằm tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai từ năm 2015 tới nay đã giúp tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh trong các mảng nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng, giảm thiểu tồn kho, đồng thời mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung Việt Nam và các doanh nghiệp toàn cầu.
Bên cạnh đó, Samsung đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam đào tạo 207 tư vấn viên người Việt, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và cải tiến chất lượng của Samsung. Các tư vấn viên này cũng sẽ tham gia vào chương trình tư vấn nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong năm 2020.
Thông qua lễ ký kết, Samsung cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm tích lũy của mình để hỗ trợ các công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương đạt được năng lực sản xuất tiêu chuẩn toàn cầu.
“Đồng thời, chúng tôi mong rằng phía Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm và hỗ trợ về mặt chính sách để các tư vấn viên và các doanh nghiệp Việt Nam sau khi được đào tạo có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, không chỉ ở tỉnh Hải Dương mà còn đóng góp cho toàn đất nước Việt Nam”, đại diện Samsung Việt Nam bày tỏ.