Công nghiệp-Thương mại Lâm Đồng:Phát triển nhanh và bền vững

Lâm Đồng là mảnh đất hội tụ của nhiều dân tộc với những nét văn hoá đặc sắc, những di tích lịch sử và công trình kiến trúc có giá trị như: khu Thánh địa Cát Tiên, khu mộ cổ dân tộc Mạ, các biệt thự ma

Phát triển kinh tế gắn phát triển công nghiệp, nông nghiệp với du lịch chất lượng cao
Vùng đất này nổi tiếng có khí hậu ôn đới nằm giữa một vùng khí hậu nhiệt đới điển hình với 3 tiểu vùng khí hậu đặc trưng: Tiểu vùng có độ cao trên 1000m so với mặt nước biển có thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; Tiểu vùng có độ cao 800 - 900m có khí hậu mát mẻ, thuận tiện phát triển cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, dâu tằm; Tiểu vùng có độ cao 200 - 250 m so với mực nước biển với thời tiết ấm và nóng nhiều thuận tiện cho việc phát triển cây điều, tiêu và các loại cây ăn trái đặc sản với quy mô lớn. Đây còn là nơi đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối chính chảy về Ninh Thuận và vùng Đông Nam Bộ rất thuận lợi cho phát triển thuỷ điện.

Phát huy những lợi thế đó, những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách toàn diện, gắn phát triển công nghiệp, nông nghiệp với du lịch chất lượng cao và đạt được nhiều kết quả, trở thành một tỉnh miền núi phát triển. Đến nay, Lâm Đồng đã phát triển được một số vùng cây nguyên liệu tập trung có hàm lượng khoa học công nghệ cao, rất thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến. Với tỷ trọng 63,13% giá trị của toàn ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến đã đóng góp không nhỏ đưa sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng của Lâm Đồng phát triển với tốc độ cao, tăng bình quân 19,80% trong giai đoạn 2001-2005 và 19,2%/năm trong giai đoạn 2006-2010, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 19,34%, chế biến tăng 13,65%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 26,75%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội và 14 khu, cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố, thu hút được nhiều dự án đầu tư, số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng sản lượng cao nhất trong thời gian qua là cao lanh (44,06%), quặng bô xít (28,19%), rượu trắng (19,34%), hạt điều (8,36%)...

Hiện nay, Lâm Đồng đứng đầu cả nước về sản xuất chè, rau, hoa chất lượng cao; đứng thứ nhì cả nước về sản xuất cà phê và chiếm tỷ trọng đáng kể về các sản phẩm như dâu tằm tơ, hạt điều, bò thịt sữa, mía đường… Nhiều ngành sản xuất của Lâm Đồng đã tạo được thương hiệu riêng, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: chè, hạt điều, cà phê chế biến, rượu, sợi tơ tằm và lụa tơ tằm, đồ gỗ các loại... Sản xuất ngành nông-lâm sản của Lâm Đồng duy trì được sự tăng trưởng liên tục ở mức cao, tăng bình quân 8,7%/năm trong thời kỳ 2001-2010, trong đó, giai đoạn 2006-2010 tăng 9,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của vùng Tây Nguyên (7,6%/năm) và cả nước (4,2%/năm).

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng trong giai đoạn 2001-2005 tăng 19,80%, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 19,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung khai thác nguồn nước để phát triển thuỷ điện, đẩy mạnh ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. 



Một lĩnh vực được Lâm Đồng tập trung phát triển thành công đã góp phần tạo nên thương hiệu riêng của tỉnh là hoạt động du lịch. Việc khai thác có hiệu quả cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những nét đẹp văn hoá độc đáo của các dân tộc, các công trình kiến trúc, các danh lam có giá trị nghệ thuật mà trung tâm là Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây. Các loại hình du lịch chất lượng cao như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch thể thao... phát triển mạnh, không những đóng góp không nhỏ vào phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh mà còn góp phần đưa hình ảnh và những sản phẩm đặc sắc của Lâm Đồng đến với người dân trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2001-2010, Lâm Đồng đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm tới 14% (cao hơn mức tăng chung của cả nước 7,3%), trong đó, công nghiệp-xây dựng đạt tốc độ tăng cao nhất đạt 20,6%/năm, tiếp đến là dịch vụ đạt 19,4%/năm và khu vực nông lâm sản đạt 9,8%/năm. Mức GDP bình quân/đầu người của Lâm Đồng cũng được nâng lên rõ rệt: năm 2000, mức GDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 2,83 triệu đồng thì đến năm 2005 đã nâng lên 6,36 triệu đồng và năm 2010 đạt 19 triệu đồng/người. Đời sống của người dân, đặc biệt của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.

Tham gia mạng lưới sản xuất liên vùng
Với mục phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó, sức phát triển nhanh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tạo ra khả năng thu hút nguyên liệu, cung cấp sản phẩm tiêu dùng và các đầu vào cho các tỉnh trong vùng và cả nước, Lâm Đồng với lợi thế về sản xuất nông sản và khoáng sản kim loại sẽ có cơ hội lớn để tham gia vào mạng lưới sản xuất mang tính liên vùng. Ngoài ra, với sức phát triển nhanh của các vùng kinh tế trọng điểm, thu nhập và đời sống của người lao động sẽ được cải thiện nhanh, nhu cầu về du lịch và nghỉ dưỡng sẽ ngày càng cao, tiềm năng du lịch của Lâm Đồng sẽ ngày càng được phát huy.

Với điều kiện về khí hậu, địa hình và đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng, Lâm Đồng và các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên có thể liên kết sản xuất, tạo ra nguồn hàng hoá với quy mô lớn và ổn định cung ứng cho thị trường cả nước (đặc biệt là thị trường Tp. Hồ Chí Minh) và cho xuất khẩu. Qua đó, vị thế của vùng sản xuất nói chung và Lâm Đồng nói riêng ngày càng được củng cố, nâng cao. Đồng thời, với lợi thế của vùng nguyên liệu lớn, các ngành công nghiệp chế biến nông sản trong vùng và tại Lâm Đồng cũng có cơ hội thuận lợi để phát triển. Vì vậy, Đại hội IX Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã xác định mục tiêu khai thác tối đa, có hiệu quả nguồn nội lực gắn với thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, thực hiện hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả để đến năm 2020, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển bền vững, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh-quốc phòng.

Tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CHN-HĐH
Quy hoạch phát triển tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 13,0-13,5%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 12,5-13,0%/năm; mức GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 32 triệu đồng (tương đương 1.600-USD và bằng 90% so với bình quân cả nước) và năm 2020 phấn đấu đạt 65-66 triệu đồng (tương đương 3.000 USD và bằng 100% so với bình quân cả nước).

Với mục tiêu đó, Lâm Đồng tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, phát triển công nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, xã hội hoá nền sản xuất; phát triển kinh tế hàng hoá, tăng nhanh khu vực có năng suất lao động cao, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiệu quả lớn; hình thành rõ nét những động lực, những lĩnh vực mũi nhọn, nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh, đặc biệt là sản phẩm du lịch, dịch vụ xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế được tập trung theo hướng phát triển mạnh hơn về dịch vụ và công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu GDP tăng lên 30% (năm 2015) và 38% (năm 2020); khu vực dịch vụ tăng lên tương ứng là 33% và 35%; nông lâm nghiệp và thủy sản giảm lần lượt còn 37% và 27%.

Trước mắt, Lâm Đồng đẩy nhanh tốc độ phát triển và cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp như: hóa chất, dệt may, chế biến nông lâm sản, khai thác - chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: khai thác chế biến quặng bauxít, sản xuất hóa chất cơ bản từ tài nguyên thiên nhiên, cơ khí chế tạo, thủy điện, công nghiệp phần mềm, lắp ráp và sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2011-2015, ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản và bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp năng lượng. Tạo cơ chế thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình kinh tế trang trại, gắn sản xuất nông nghiệp với bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất hàng hoá. Tập trung phát triển các nông sản hàng hoá chủ lực như: cây công nghiệp dài ngày, rau quả chất lượng cao, cây ăn trái đặc sản, sản phẩm chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt bình quân 100 triệu đồng. Xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Quan tâm phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện gắn với xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Khai thác tối đa những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Lâm Đồng để phát triển du lịch. Lâm Đồng đã xác định rõ đây là con đường thuận tiện giúp tỉnh nhanh chóng quảng bá hình ảnh ở cả trong và ngoài nước, tiếp đến là xây dựng thương hiệu qua phát triển thương hiệu hàng hóa, đặc biệt là hàng xuất khẩu. Việc tập trung phát triển thương mại và du lịch là là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng thương hiệu riêng của chính mình nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành một tỉnh phát triển không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà còn của cả nước.