Cách trung tâm Hà Nội gần 40 km về phía Tây Bắc, quần thể Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) toạ lạc trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình với rừng cây tươi xanh tươi, hồ nước trong vắt, không khí trong lành, mát mẻ và di tích cổ kính nằm ẩn mình dưới tán lá cổ thụ. Tương truyền, Sóc Sơn là nơi Thánh Gióng để lại áo giáp sắt, cúi chào quê hương lần cuối rồi cả người cùng ngựa bay về trời.
Trong truyền thuyết cũng như trong lịch sử, những người có công đánh giặc giữ nước đều hoặc lên làm vua hoặc giữ chức vụ “Khai quốc, công thần”. Riêng Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc Ân, mang lại sự bình yên cho dân tộc đã bay thẳng về trời, không màng vinh hoa phú quý, chức tước bổng lộc nên nhân dân gọi sự kiện này là “Công thành, Thánh thoái”. Quần thể đền Sóc là nơi ghi dấu sự kiện này. Đền được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia năm 1962. UBND thành phố Hà Nội đã quy hoạch khu vực đền Sóc là một trong những công trình hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Quần thể di tích đền Sóc gồm các công trình: đền Trình, Đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, nhà bia, khu tượng đài Thánh Gióng.
Đền Trình với những gốc đa cổ thụ, làn khói hương mờ ảo như dẫn dắt chúng ta vào cõi linh thiêng. Đền thờ Sơn Thần thổ địa, cai quản núi Sóc - nơi có đền Gióng. Đền bố cục chữ nhị, kết cấu tường hồi bít đốc tay ngai, mỗi nếp nhà có 3 gian. Trong đền có pho tượng đồng đen, niên đại thời Nguyễn. Tượng đúc khá đẹp ở tư thế ngồi, hai tay đặt lên đầu gối, nét mặt sắc sảo tạo vẻ uy nghi, chứng tỏ nghệ thuật đúc đồng đã đạt trình độ tinh xảo.
Đền Mẫu là ngôi nhà 3 gian, làm 2 nếp xây tường hồi bít đốc, bên trong là ban thờ và tượng bà mẹ đã sinh ra Thánh Gióng. Đền tựa mình bên tán lá cổ thụ hàng trăm năm. Cảnh đền thanh tịnh, khói hương nghi ngút cùng với lớp rêu phong của thời gian, gợi cảm giác huyền bí cổ xưa.
Đối diện đền Mẫu là chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ, cổ kính này nổi tiếng với sự linh thiêng. Theo sử sách ghi lại, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ X, do nhà sư Khuông Việt Chân Lưu trụ trì. Nét kiến trúc chùa mềm mại, thuần Việt như chính tính cách con người Việt Nam.
Đền Thượng là trung tâm của di tích, được khởi dựng sớm nhất. Sân đền có hai pho tượng Long Mã, là biểu tượng cho sức mạnh và sự trung thành. Đền bố cục mặt bằng kiểu chữ công, gồm tòa tiền tế, tòa ống muống và hậu cung. Căn cứ vào sử sách và các tư liệu ở di tích, đền Thượng được xây dựng từ rất lâu, đến thế kỷ X thời Lê Đại Hành, đền được trùng tu và sau đó được sửa chữa nhiều lần. Đến nay, đền Thượng mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn. Trong đền lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị, đáng quý là đôi ngựa gỗ (ngựa trắng, ngựa hồng), là hình tượng Ngựa sắt của Thánh Gióng. Ban thờ chính đắp toà giả sơn bằng đá. Tòa giả sơn gồm tượng Thánh Gióng cùng các thiên thần, vũ sĩ. Tượng Thánh Gióng được đắp theo lối “thiên - thổ - mộc”: đắp lộ thiên bên ngoài bằng vôi mật, cốt bên trong là gỗ trầm hương. Loại gỗ lấy từ giống cây mà theo truyền thuyết, người anh hùng đã vắt áo lên trước khi bay về trời. Bước chân vào đền, chúng ta như được hoài niệm về “thiên lương” của vị Tứ bất tử, được tự nhắc nhở mình về trách nhiệm với đất nước với quê hương?!
Nhà bia nằm trên đỉnh Vệ Linh, được xây dựng hoàn toàn bằng đá nghiến, trông tựa như chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa. Nhà bia đặt tấm bia lớn, 8 mặt, ghi lại thần tích Thánh Gióng, lịch sử xây dựng và hội đền.
Điểm nhấn đặc biệt trong quần thể đền Sóc là Tượng Đài Thánh Gióng. Tượng mô phỏng hình ảnh vị Thánh Gióng tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng có chiều cao tới đỉnh là 11m, độ vươn ra là 16m và được đúc bằng đồng nguyên chất. Tượng sẽ được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng - nơi mà theo truyền thuyết, Thánh Gióng từ biệt quê hương cùng với ngựa bay về trời.
Vào ngày Cửu trùng (9 giờ, 9 phút ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu) mẻ đồng đầu tiên khởi đúc tượng đài Thánh Gióng đã được đổ vào khuôn. Không phải ngẫu nhiên mà hôm đó, mặc dù tuổi già, sức yếu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có mặt trong lễ đúc tượng…
Công trình vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tâm linh này được rước lên đỉnh núi Đá Chồng đúng ngày khai hội đền Sóc (dự kiến vào ngày mùng 6 tháng giêng năm Canh Dần). Tượng đài không chỉ là nơi khắc ghi hình ảnh về vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc, là biểu tượng của ý chí và tinh thần chống giặc ngoại xâm, mà còn là biểu tượng của một nhân sinh quan, nhân sinh quan “Công thành, Thánh thoái”.
Trong lễ hội, sẽ diễn ra lễ rước nước, rước ngà voi… mang dấu ấn của nghi lễ nông nghiệp cổ truyền. Đặc biệt là lễ rước hoa tre được suy là gợi nhớ hình ảnh Thánh Gióng nhổ gốc tre ngà đánh tan giặc Ân. Lễ hội đền Sóc là nơi lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cha ông để lại, cần gìn giữ và phát huy. Lễ hội Gióng ở đền Sóc cùng với lễ hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm) đã được lựa chọn gửi lên UNESCO, đề cử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta hi vọng, đó sẽ là món quà có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đền Sóc không chỉ là danh thắng tuyệt đẹp mà còn là nơi giáo dục “thiên lương” trong mỗi con người. Ai đã từng đến đền Gióng, thấu hiểu câu chuyện bi hùng về một con người đặt sự nghiệp của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của mình, của gia đình mình, đều thấy ý nghĩa sâu xa một truyền thuyết cổ của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện sự đổi mới đất nước, trong khi xã hội còn nhiều tiêu cực mà có đại biểu Quốc hội đã đặt tên là “Nạn chạy chức, chạy quyền” thì ý nghĩa câu chuyện xưa thật là quý giá. Chúng ta cần, rất cần những con người “thiên lương” - một sự lương thiện bẩm sinh, trời cho như Thánh Gióng - bởi mỗi lần đến với điểm du lịch “Công thành, Thánh thoái”, ta sẽ có thêm một lần được “gạn đục, khơi trong”, làm cho tâm hồn ngày thêm trong sáng.