Vịnh Chân Mây có cửa rộng 7km, diện tích mặt nước khoảng 20km2, độ sâu từ 6-14m, phần có độ đâu từ 9-14m chiếm 65% diện tích của Vịnh. Vịnh Chân Mây không chỉ có điều kiện lý tưởng về mặt địa lý mà còn thuận lợi về giao thông: tiếp giáp QL1A, đường sắt Bắc-Nam, tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế và hành lang kinh tế đông-tây, cách Đường 9 khoảng 100km về phía Nam, thuận lợi cho việc giao thông với Lào và Thái Lan.
Việc nâng cao năng lực hạ tầng như bổ sung cầu cảng, đê chắn sóng biển đã khắc phục tình trạng tàu chờ bến trước đây, các chủ hàng và chủ tàu có thể yên tâm làm hàng dù trong điều kiện thời tiết xấu.
Cảng Chân Mây bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2003. Qua 18 năm hoạt động Công ty cổ phần Cảng Chân Mây (Công ty) vươn mình và trưởng thành khai thác Cảng Chân Mây hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào quá trình mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế của Thừa Thiên Huế và cả nước.
Do đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, để thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngay khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, Công ty đã xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó trong từng trường hợp, cùng với việc bám sát các hướng dẫn chỉ đạo của Nhà nước và của địa phương, luôn duy trì liên tục hoạt động sản xuất, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Chân Mây.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới với sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 Công ty đã luôn đổi mới trong quản lý điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động. Công ty đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả vào quản lý, điều hành, như: hệ thống camera giám sát, các phần mềm quản lý, thực hiện mã QR kiểm soát dịch bệnh, thay đổi các hình thức gặp gỡ trực tiếp bằng cách trao đổi thông tin qua email, họp trực tuyến…
Trong công tác thị trường và chăm sóc khách hàng, Công ty đã nỗ lực tối đa để làm hài lòng khách hàng, luôn chủ động phối hợp với khách hàng trước, trong và sau khi thực hiện dịch vụ; đưa ra các phương án làm hàng, tư vấn hỗ trợ khách hàng để đảm bảo năng suất, an toàn và hiệu quả.
Để giữ vững hoạt động trong tình hình mới, Công ty xác định yếu tố quan trọng nhất là luôn đảm bảo chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành bằng cách sẵn sàng các kịch bản cho mọi tình huống để kịp thời ứng phó trong các trường hợp bất ngờ, đồng thời đảm bảo thực hiện mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, ổn định đời sống người lao động.
Bên cạnh đó, để kịp thời nắm bắt các cơ hội và xu thế phát triển, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và sự chuyển hướng đầu tư toàn cầu, Công ty tích cực tìm hiểu, mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, khách hàng, các cơ hội đầu tư, hợp tác để mở rộng thêm cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất; tăng cường xúc tiến, thu hút các mặt hàng mới tiềm năng, đặc biệt là mặt hàng container.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hiện nay vẫn cần khắc phục như tình trạng thiếu bãi khi thu hút các nguồn hàng mới về Cảng. Do đó, Công ty đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ các tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Chân Mây.
Xu thế hiện nay là khách hàng có nhu cầu sử dụng các tàu hàng có trọng tải lớn. Do đó, Công ty cũng chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, thủ tục cần thiết để xin phép nâng cấp lực tiếp nhận tàu lên 70.000 DWT và xin cấp phép Khu chuyển tải tại Vịnh Chân Mây phục vụ tàu 200.000 DWT, từ đó nâng cao năng lực của Cảng Chân Mây.
Để phát huy hơn nữa các thế mạnh của Cảng Chân Mây, Công ty sẽ huy động nhiều nguồn lực để bổ sung trang thiết bị bảo đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung triển khai phương án kinh doanh hàng container và kết nối với các hãng tàu container để mở tuyến quốc tế.
Tăng cường liên doanh, liên kết để đẩy mạnh hệ thống logistics kiểm soát tốt cũng như tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng nhanh chóng thuận lợi. Từ đó góp phần tích cực vào thực hiện NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.