Vượt khó hoàn thành mục tiêu
Năm 2021 là năm đầy biến động cho các doanh nghiệp sản xuất do dịch bệnh, việc lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao. Ngay từ cuối năm 2020, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã khiến chi phí sản xuất phân bón tăng cao. Do DAP là nguyên liệu đầu vào cho một số sản phẩm phân bón khác nên giá nguyên liệu tăng đã làm giá sản xuất phân bón tăng nhanh và đột biến.
Bên cạnh đó, theo đà tăng của thế giới, giá dầu, lưu huỳnh, amoniac, quặng… đều tăng và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu ở một số nước cung ứng phân bón lớn trên thế giới như Trung Quốc và Nga cũng khiến giá phân bón tăng cao. Đặc biệt, mức chênh lệch giá bán DAP trong nước và xuất khẩu lớn, có thời điểm lên đến 4,5 triệu đồng/tấn.
Ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem cho biết, trong bối cảnh các biến động thị trường trong nước trong năm 2021 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, điểm thuận lợi là trong năm vừa qua, các đơn vị trong Tập đoàn đã đoàn kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ Tập đoàn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty đã tập trung tối đa cho nhu cầu sử dụng trong nước và chỉ xuất khẩu khi trong nước không tiêu thụ hết. Việc này dù mang lại hiệu quả thấp hơn nhưng đã góp phần bình ổn giá trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
“Công ty đã nghiêm túc thực hiện quy định tiêu thụ nội địa tập đoàn, cung cấp DAP cho các đơn vị sản xuất NPK ở cả đơn vị trong Nam và miền Bắc. Trong năm, Công ty đã cơ bản thực hiện tốt chuỗi cung ứng trong nước, từ quặng đến DAP và sản xuất sản phẩm cuối cùng là NPK” – ông Vũ Văn Bằng chia sẻ.
Một khó khăn nữa là từ cuối tháng 8/2021, việc cung cấp quặng không ổn định, lượng quặng thấp so với nhu cầu sản xuất. Trước tình hình đó, Công ty đã mua thêm quặng nghiền. Dù sản lượng không nhiều nhưng Công ty cũng đã thực hiện tốt so với quy định Tập đoàn giao.
Về chất lượng sản phẩm, BCH Đảng bộ Công ty đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn các phòng kỹ thuật và các nhà máy thực hiện đúng các quy trình kiểm soát chất lượng, đặc biệt là khống chế đảm bảo về dinh dưỡng, độ tan vẫn được duy trì ổn định đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.
Để ứng phó với diễn biến chất lượng quặng ngày càng suy giảm, Công ty đã tiếp tục cập nhật một số giải pháp kỹ thuật để ổn định chất lượng sản phẩm, mỗi khi có sự suy giảm về chất lượng quặng apatit đầu vào. Công ty đã có biện pháp tăng cường khâu kiểm soát sản phẩm trước khi giao hàng, hạn chế tối đa các phát sinh liên quan đến chất lượng. Theo đó, uy tín thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc duy trì chỗ đứng và mở rộng thị phần của phân bón DAP Đình Vũ.
Bằng tất cả những giải pháp đó, năm 2021, sản lượng DAP sản xuất ước đạt 252.600 tấn (tăng 21,8% so với năm 2020; tăng 2% kế hoạch năm 2021); Sản lượng DAP tiêu thụ ước đạt 252.600 tấn (tăng 9,1% so với năm 2020; tăng 2% kế hoạch năm 2021); Tổng doanh thu thuần ước thực hiện năm 2021 đạt 2.968,720 tỷ đồng (tăng 57% so với năm 2020; tăng 19,7% kế hoạch năm 2021); lợi nhuận thực hiện ước đạt 190,086 tỷ đồng (tăng 568,3% so với năm 2020; tăng 179,5% kế hoạch năm 2021).
“Trong năm 2021, chúng tôi đã đảm bảo việc làm cho người lao động. Thu nhập của người lao động đạt bình quân 11,4 triệu đồng/người/tháng” – ông Vũ Văn Bằng cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty cũng cùng công đoàn phát động các phong trào thi đua, đảm bảo an toàn trong sản xuất, đặc biệt là an toàn trong phòng chống dịch. Công ty còn tổ chức hội thao cuối năm đảm bảo an toàn, thành công tốt đẹp, tạo sân chơi gắn kết hiệu quả cho người lao động Công ty.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Đề án 1468 và Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và Doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương của Bộ Công Thương. “Nhờ đó, Công ty đã chính thức được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Kết quả này là nguồn động viên lớn cho người lao động toàn Công ty” – ông Vũ Văn Bằng chia sẻ.
Ngoài việc sản xuất và tiêu thụ phân bón, tình hình tiêu thụ thạch cao của Công ty cũng có khởi sắc từ tháng 3/2021 đến nay. Cả năm, sản lượng tiêu thụ thạch cao của Công ty đạt 290.404 tấn, tăng 132.000 tấn so với năm 2020. Năm 2022, Công ty xác định sẽ tìm thêm các giải pháp khác để đẩy mạnh thêm việc tiêu thụ thạch cao.
Nhiều mục tiêu cho năm 2022
Ông Vũ Văn Bằng nhấn mạnh, bước sang năm 2022, theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty sẽ phấn đấu triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch được giao.
Cụ thể, thực hiện nghiêm túc các giải pháp chống dịch, các khuyến cáo để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bên cạnh đó, duy trì sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, không để thiếu hàng cho nhu cầu sản xuất trong nước. Triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
Công ty còn tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết giảm triệt để chi phí sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, duy trì tốt các biện pháp giảm phát thải, tái sử dụng nước thải, phế thải để bảo vệ môi trường.
“Đặc biệt, Công ty xác định tập trung triển khai đề án nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và tốn nhiều nguồn lực nhất của Công ty” – ông Vũ Văn Bằng nhấn mạnh. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thạch cao, phục vụ các nhà máy xi măng và các doanh nghiệp khác sử dụng thạch cao làm nguyên liệu sản xuất.