Làm chủ công nghệ
Đầu tháng 4 năm 1999, Than Nam Mẫu được sáp nhập từ 2 mỏ Than Thùng và Yên Tử trong điều kiện vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất, tài nguyên, hệ thống trang bị, môi trường làm việc và nguồn nhân lực. Chính trong bối cảnh đó, các thế hệ lãnh đạo Than Nam Mẫu đã xác định chiến lược phát triển bền vững là phải đổi mới công tác quản lý và từng bước thực hiện cơ giới hóa sản xuất.
Công tác đổi mới bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, cung cách làm việc. Than Nam Mẫu xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn; trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện. Vì thế từng phân xưởng, phòng ban chủ động ngay từ khâu lập kế hoạch, xây dựng biện pháp đến tổ chức thực hiện đều phải có tầm nhìn từ 5-10 năm, nhằm đảm bảo theo định hướng chung, phù hợp với xu thế phát triển của ngành Than.
Trong đổi mới công nghệ, Công ty đầu tư, sử dụng những thiết bị hiện đại nhất, tiên tiến nhất của thế giới trong lĩnh vực khai thác than từ khâu chuẩn bị sản xuất đến khâu khai thác, sàng tuyển chế biến. Hiện nay Công ty đang là đơn vị đi đầu trong ngành Than về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác than hầm lò, hệ thống vận tải, sàng tuyển chế biến... như Máy combain đào lò AM 50-Z, hệ thống Máy khoan một choòng, công nghệ chống giữ lò chợ bằng bằng giá khung ZH-1.600/16/24Z, bằng giàn mềm ZRY khai thác các vỉa dốc, hệ thống vận tải liên tục bằng băng tải từ B650 đến B1200, ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu JPS, đảm bảo nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, Nam Mẫu đặc biệt quan tâm đến đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật nhằm làm chủ công nghệ, khai thác tối đa hiệu suất của dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại. Công ty chủ động đào tạo nguồn lao động đặc biệt là lao động kỹ thuật. Hàng năm đều kết hợp với Trường đại học Mỏ địa chất, Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật; kết hợp với Trường Cao đẳng nghề mỏ TKV đào tạo công nhân kỹ thuật khai thác hầm lò để bổ sung mới cho lực lượng lao động kỹ thuật đã hết tuổi lao động. Công ty đã chủ động bố trí đủ việc làm cho người lao động, có qui định khuyến khích trả lương cao cho người lao động có trình độ tay nghề cao, thường xuyên đào tạo bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ trẻ. Trong giai đoạn từ 2013 đến nay Công ty đã bồi dưỡng tay nghề và thi nâng bậc cho hơn 4.000 lượt người. Duy trì tốt và đều các hội thi thợ giỏi cấp Công ty, cấp Tập đoàn. Số lượng công nhân đạt giải thợ giỏi xuất sắc cấp Tập đoàn hàng năm tăng và liên tục giữ truyền thống là cái nôi đào tạo thợ giỏi của ngành Than Việt Nam.
Đồng thời duy trì tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ, công nhân, nhân viên được học các lớp bồi dưỡng chuyên sâu do Công ty phối hợp với các đơn vị đào tạo trong Tập đoàn tổ chức. Với quyết tâm đảm bảo chất lượng và tiến độ các mục tiêu trọng điểm, Công ty đang tiếp tục áp dụng chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tăng cường đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân kỹ thuật đào chống lò bằng vì neo, đặc biệt chú trọng nâng cao kỹ thuật đào chống lò neo trong đá kết hợp bê tông phun để đẩy nhanh tiến độ đào lò. Đến nay, Công ty đã liên kết tuyển sinh đào tạo thợ lò được hàng trăm học sinh, số đã ra trường được thực hành nghề trực tiếp tại các đường lò trong Công ty và sau đó được Công ty tiếp nhận làm việc.
Kết quả trong giai đoạn 2014-2018, Công ty hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao. Cùng với việc tăng sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng từ 9,967 triệu đồng/người/tháng năm 2014 lên 14,7 triệu đồng/người/tháng năm 2018. Các chỉ tiêu chính giai đoạn 2014-2018 đã vượt nhiều so với giai đoạn 2009-2013. Cụ thể, tổng sản lượng bằng 107%, doanh thu bằng 133%, nộp ngân sách bằng 305%, lợi nhuận bằng 143%, thu nhập bình quân đầu người bằng 142%...
Văn hóa đặc trưng riêng
Với định hướng chiến lược rõ ràng, nhất quán; với việc đầu tư đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực và chăm lo sức khỏe người lao động, Than Nam Mẫu đã tạo được sự đồng thuận trong CBCNV, thu hút được mọi nguồn lực hướng đến sự phát triển nhanh, bền vững, đó cũng chính là văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của Than Nam Mẫu.
Nhiều năm qua, Than Nam Mẫu luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa Doanh nghiệp - một loại tài sản vô hình, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Nhiều biện pháp, giải pháp đã và đang được công ty triển khai thực hiện, được cụ thể hóa bằng các tiêu chí nhằm xây dựng tác phong công nghiệp, nếp sống văn hóa trong CBCNV.
Trong mọi lĩnh vực công tác, Than Nam Mẫu đã xây dựng được hệ thống các văn bản bao gồm các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử với những tiêu chí cụ thể. Từ những quy tắc ứng xử trong giao tiếp hàng ngày đến những quy tắc ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với cộng đồng; cùng với văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ và văn hóa trong an toàn lao động đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở Than Nam Mẫu.
20 năm qua, từ những thế hệ đầu tiên đầy gian khó đến những thế hệ hiện tại giàu khát khao cống hiến đều hết sức trân trọng, vun đắp cho truyền thống văn hóa đó để Than Nam Mẫu ngày càng phát triển với bản sắc của riêng mình./.