Xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Báo cáo về việc xây dựng dự kiến kế hoạch thực hiện các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 13/8/2022 của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho thấy, với nhóm ý kiến chỉ đạo về sản xuất kinh doanh, nhằm ổn định việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 1.000 người lao động.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung công việc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó trước mắt tập trung vào việc sửa chữa, chỉnh trang văn phòng làm việc cho các đơn vị sản xuất và khối văn phòng (dự kiến xong trong tháng 8/2022).
Bên cạnh đó, trang bị dụng cụ, trang thiết bị làm việc đầy đủ cho người lao động (dự kiến xong trong tháng 9/2022). Đảm bảo lương và thu nhập cho người lao động ở mức tốt, phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 để năm 2022 có tháng lương thưởng thứ 13/14.
Đồng thời, công ty cũng đặt mục tiêu quan tâm, chăm lo đời sống, tổ chức đào tạo cho cán bộ công nhân viên nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với ý kiến về việc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bảo đảm cung cấp than ổn định cho nhà máy, vừa qua, công ty đã có nhiều buổi làm việc với TKV về việc cung cấp han cho sản xuất.
Công ty cũng đã có công văn đề nghị TKV cung cấp lượng than còn lại cho hợp đồng mua bán than năm 2022. Thời gian tới, công ty xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TKV để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất. Công ty cũng đã đàm phán hợp đồng thuê kho chứa than để dự trữ trong mùa mưa bão.
Với nhóm ý kiến tổ chức sản xuất kinh doanh để không thua lỗ, công ty đang tiếp tục cập nhật xây dựng Đề án tái cơ cấu theo yêu cầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, Công ty sẽ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của tỉnh Ninh Bình về vấn đề an toàn vệ sinh môi trường. Trước mắt là đảm bảo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp cho khu công nghiệp xung quanh nhà máy.
Đảm bảo môi trường và duy trì ổn định sản xuất
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Phú Cường khẳng định, mục tiêu trong thời gian tới của nhà máy, việc đầu tiên là cần đảm bảo duy trì ổn định, sản xuất an toàn cho toàn bộ hệ thống. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố bất thường nào ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và uy tín công ty. Bên cạnh đó, việc phải làm càng nhanh càng sớm càng tốt là vệ sinh công nghiệp, khắc phục tồn tại và đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh công nghiệp cho toàn bộ nhà máy. Toàn bộ phân xưởng và công đoạn đều phải đảm bảo vệ sinh công nghiệp.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đảm bảo sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Phú Cường chỉ đạo, đối với vấn đề xử lý nước thải, ở hệ thống thoát nước mặt, nước mưa, phải quy hoạch và cải tạo bằng được hệ thống thu gom nước thải sản xuất phải phân luồng, phải tách bạch hẳn với hệ thống nước mặt, nước mưa và nước thải sinh hoạt. Đây là những điều đã được quy định trong luật và doanh nghiệp phải làm thật nghiêm túc.
Đối với hệ thống xử lý thu gom rác thải rắn, chú trọng việc thu gom và xử lý bãi thu hồi, không thể để xảy ra tình trạng lãng phí như hiện nay.
“Phải coi tro xỉ của nhà máy nhiệt điện không phải là chất thải mà là tiền, là tài nguyên để thu gom đảm bảo vệ sinh và tiêu thụ để mang lại nguồn lợi cho doanh nghiệp” – ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý, ở hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn sản xuất, phải có bãi chứa chất thải nguy hại. Chất thải sinh hoạt phải tách bạch riêng.
Công ty cũng cần duy trì đảm bảo kết nối hệ thống quan trắc môi trường 24/24 với Sở Tài nguyên Môi trường địa phương để công khai việc công ty đã đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, triển khai ngay việc áp dụng quản lý bằng ISO 9000 và ISO 14000. Dù việc ký để thực hiện ISO này có thể mất cả năm, song việc được công nhận áp dụng ISO sẽ giúp giá trị thương hiệu sản phẩm tăng lên và các cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra sẽ rất nhanh chóng. Do đó, công ty phải thuê tư vấn, nghiêm túc thực hiện để sớm đạt ISO.
“Vấn đề môi trường tại nhà máy không chỉ triển khai để bảo vệ môi trường, mà thực tế chính là mang lại lợi nhuận cho chính doanh nghiệp khi tiết kiệm nguyên vật liệu, tránh những xử phạt và đền bù không đáng có, lại giúp xây dựng tốt hình ảnh doanh nghiệp nên đây là việc cần đặc biệt lưu tâm” – ông Cường nhấn mạnh.